23/04/2019 16:42 GMT+7

Làm gì để học sinh tự tin và năng động?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - 'Quan sát phân tích hơn là can thiệp, chỉ dẫn hơn là cung cấp kiến thức, tổ chức nề nếp hơn là nhắc nhở bằng lời...' - là những phương pháp tổ chức dạy học theo yêu cầu mới.

Làm gì để học sinh tự tin và năng động? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Hà Thanh, giảng viên Khoa toán - tin, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành viên Hội đồng cố vấn chuyên môn hệ thống trường EMASI phát biểu tại Ngày hội - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sáng 23-4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Hệ thống Trường song ngữ Quốc tế EMASI, TP.HCM đã tổ chức Ngày hội giáo dục khai phóng với sự tham dự của hơn 300 sinh viên, giảng viên sư phạm và các cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn TP.

Chỉ dẫn thay vì cung cấp kiến thức

Phát biểu tại ngày hội, TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng hiệu trưởng hệ thống Trường EMASI, nhấn mạnh: "Giáo dục khai phóng là đem lại sự thích thú cho người học vì sẽ không rập khuôn, sáo rỗng mà là những vấn đề thực tế xuất phát từ bản thân học sinh, vì nhu cầu học tập và vì những cảm xúc thật của 'Cơ thể cây' (học sinh), không phải gượng gạo đối phó với những kiến thức xưa cũ, xơ cứng của 'Người trồng cây'. Nhà trường và nhà giáo không khai phóng, không cởi mở thì thật khó hình thành được cho học sinh phong cách tự tin và năng động".

Ông Minh cho rằng: "Những nhà giáo dục khai phóng đã từng ví người học như con ốc trong môi trường sinh học, giáo viên giỏi là người làm cho môi trường sinh học ấy yên bình và thu hút để con ốc mở miệng kiếm ăn, tương tác và hòa nhập với thiên nhiên. 

Những nhà giáo dục ấy luôn xác định những thái độ cơ bản cho mình trong quá trình dạy học là quan sát phân tích hơn là can thiệp; chỉ dẫn hơn là cung cấp; tổ chức nề nếp hơn là nhắc nhở bằng lời để hoàn thiện môi trường tâm lý cho học sinh chủ động, tự tin và sáng tạo trong quá trình học tập".

4 yếu tố

Điều kiện cơ bản để thực hiện thành công giáo dục khai phóng là cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường; năng lực và tâm huyết của lực lượng sư phạm; triết lý giáo dục và cơ chế quản lý nhà trường.

(TS Huỳnh Công Minh)


Hãy quan tâm đến giáo viên

Cũng tại ngày hội, Nhà giáo ưu tú Kim Vĩnh Phúc - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, hiệu trưởng EMASI Nam Long (tại Khu đô thị Nam Long, quận 7, TP.HCM) đã điểm qua những nét cơ bản về cơ sở vật chất của hệ thống Trường EMASI nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục khai phóng: trường được xây dựng trên diện tích 18.000 m2 (EMASI Nam Long); 20.000 m2 (EMASI Vạn Phúc - quận Thủ Đức, TP.HCM) với các phòng học có hệ thống cách nhiệt và cách âm.

Ngoài những trang thiết bị hiện đại và các phòng học chức năng như: phòng nghiên cứu khoa học, phòng công nghệ 3D, phòng CNTT, phòng kịch nghệ, phòng thể thao đa năng, khu vực leo núi, hồ bơi nước mặn và nước ấm đạt chuẩn quốc tế… EMASI còn có thư viện rộng lớn mở cửa 24/24 với những đầu sách được sắp xếp theo lứa tuổi, học sinh có thể đọc sách trong thư viện hoặc ở ngoài trời, nghỉ ngơi, giải trí và học tập, sinh hoạt tại đây.

Ông Phúc cho biết: "Học sinh EMASI sẽ có 1 tiết/tuần học ở thư viện. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ yêu cầu phụ huynh học sinh bậc tiểu học tổ chức cho học sinh đọc sách ở nhà theo hướng dẫn của giáo viên".

Cũng theo ông Phúc: "Lực lượng quan trọng quyết định sự thành bại của giáo dục chính là giáo viên. Vì vậy ngoài việc chăm lo về đời sống vật chất để giáo viên yên tâm với nghề thì EMASI còn xây dựng một khu vực dành riêng cho giáo viên. 

Đây là nơi các nhà giáo nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và chuẩn bị tươm tất về trang phục, hình thể trước khi lên lớp. Chúng tôi mong muốn các nhà giáo khi đến với học sinh với tâm thế vui tươi và thoải mái. Có như vậy, tiết học mới hấp dẫn được".

EMASI (tên ghép từ những môn học tiêu biểu viết bằng tiếng Anh: môn tiếng Anh, toán học, nghệ thuật, khoa học và Công nghệ thông tin) là hệ thống Trường liên cấp từ mầm non đến THPT ở TP.HCM. Trường sẽ đi vào hoạt động từ năm học 2019-2020.

EMASI giảng dạy chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam nhưng được Hội đồng cố vấn chuyên môn biên soạn tài liệu giảng dạy theo hướng giảm bớt tính hàn lâm, lý thuyết, tăng tính thực tiễn, ứng dụng kiến thức vào cuộc sống; đáp ứng nhu cầu tự học của học sinh, tạo "không gian" cho giáo viên thể hiện sự sáng tạo khi giảng dạy, học sinh thể hiện sự sáng tạo khi học tập.

Ngoài ra, EMASI cũng tăng cường giảng dạy tiếng Anh (chương trình của ĐH Cambridge) và công nghệ thông tin cho học sinh.

Được biết, học phí ở EMASI dao động từ 95-245 triệu đồng/năm/học sinh tùy từng cấp học.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên