Cùng với tuổi tác, một số bệnh lý toàn thân làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, đồng thời bệnh răng miệng cũng khiến việc ăn uống khó khăn, làm giảm việc cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Mặc dù vậy, chưa nhiều người quan tâm đến sức khỏe răng miệng, đặc biệt là những người trung niên và cao tuổi. Khi có tuổi, xương yếu đi, răng lung lay, thậm chí mất răng, khiến nhiều người buông xuôi, ít chăm lo cho những răng còn lại.
Về cấu trúc giải phẫu, hàm răng chia thành làm nhóm răng cửa, răng nanh, răng hàm nhỏ, răng hàm lớn. Cấu trúc giải phẫu của bộ răng là một chỉnh thể chặt chẽ, các răng dựa vào nhau một cách chắc chắn.
Nhóm răng cửa có chức năng cắn thức ăn, răng nanh xé thức ăn, răng hàm nghiền nát thức ăn, vì lý do gì làm mất một răng đều làm ảnh hưởng tới cả hàm răng.
Ngoài ra, răng hàm còn có chức năng rất quan trọng, đó là chức năng thẩm mỹ và phát âm. Ở người cao tuổi, nhóm cơ mặt bị xơ teo, da mặt kém đàn hồi, bộ răng ngoài chức năng ăn nhai còn có chức năng nâng đỡ cả khuôn mặt, nếu không có răng nâng đỡ làm cho khuôn mặt trở nên móm mém.
Chức năng phát âm của con người phụ thuộc vào khoang miệng, lưỡi, môi và đặc biệt là nhóm răng cửa, răng nanh nên khi mất răng sẽ phát âm không rõ ràng. Những thay đổi này làm cho nhiều người cao tuổi ngại giao tiếp trong cuộc sống.
Cách chăm sóc răng miệng ở người cao tuổi
Việc chăm sóc hàm răng phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân và kỹ thuật chăm sóc răng miệng. Ý thức chăm sóc răng miệng phải được hình thành từ rất sớm, ngay từ khi mọc răng cho đến lúc về già. Chăm sóc răng miệng phải thường xuyên, liên tục, lúc răng bình thường cũng như lúc có biểu hiện bệnh lý.
Nhiều người thường nghĩ rằng vệ sinh răng miệng chỉ là chải răng thường xuyên. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì ngoài việc chải răng hàng ngày, còn cần chú ý lựa chọn bàn chải, kem đánh răng thích hợp và cả chế độ ăn uống.
Bàn chải đánh răng tốt nhất có kiểu dáng đơn giản, có đầu đánh dài khoảng 2,5cm là lý tưởng cho người trưởng thành. Lông bàn chải không quá cứng có thể gây tổn thương lợi, không quá mềm vì dễ bị tòe.
Nên thay bàn chải sau khi dùng 6 đến 8 tuần. Nên chải răng ngay sau bữa ăn và trước khi đi ngủ bởi vì trong suốt giấc ngủ, lượng nước bọt tiết ra ít và một số thức ăn còn lưu lại ở miệng là nguyên nhân gây hại cho răng.
Tuy nhiên, bàn chải đánh răng không thể làm sạch hết được các kẽ răng. Khi đó, sử dụng chỉ nha khoa là cách hiệu quả. Tốt nhất là nên nhờ nha sĩ hướng dẫn kỹ cách dùng chỉ nha khoa.
Kem đánh răng giúp răng sạch hơn và làm bóng bề mặt răng, giữ hơi thở thơm tho. Nhiều loại kem đánh răng còn bổ sung thêm flour giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng.
Cần chú ý chăm sóc cả niêm mạc miệng vì răng muốn chắc thì xương hàm, các hệ thống dây chằng quanh răng, niêm mạc miệng phải tốt.
Dùng tay mát-xa niêm mạc miệng nhiều lần mỗi ngày làm cho niêm mạc miệng hồng hào, săn chắc, tưới máu đều đặn, lợi ôm khít vùng cổ răng và bảo vệ các mào xương ổ răng. Tránh dùng tăm thô sắc làm tổn thương niêm mạc nướu răng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, dù đã chải răng đúng cách nhưng mỗi người ở bất kỳ lứa tuổi nào cũng nên đi khám răng từ 4 - 6 tháng một lần. Mỗi lần khám, nha sĩ phát hiện những tổn thương răng miệng cần chữa trị, hay chỉ là lấy cao răng để đảm bảo cho hàm răng chắc khỏe.
Về chế độ ăn uống, người cao tuổi nên ăn thức ăn mềm, không quá nóng hoặc quá lạnh, không nên ăn những thức ăn quá cứng...
Ăn đủ dưỡng chất để cơ thể lành mạnh, cũng như cung cấp đủ chất khoáng cho răng được chắc. Ăn ít bánh kẹo vừa giúp tránh ảnh hưởng đến đường huyết vừa phòng sâu răng.
Mất răng và các kiểu hàm giả ở người cao tuổi
Khi bị mất răng, dù do bất cứ lý do nào, người cao tuổi cũng nên đến nha sĩ để khám và phục hình răng sau khi mất răng 1 tháng. Nếu để lâu ngày, răng sẽ bị xô lệch, làm mất khoảng trống của răng đã mất, đồng thời gây xáo trộn khớp cắn, khó chải sạch răng.
Tùy theo các răng đã mất mà chúng ta chia làm mất răng đơn lẻ ở các vị trí xen kẽ hay mất răng toàn bộ một hàm hoặc hai hàm. Việc phân loại mất răng để tiện cho việc làm răng giả. Răng giả thường có 2 loại: loại răng giả tháo lắp và loại răng giả cố định.
- Loại răng giả tháo lắp: đây là loại được ứng dụng rộng rãi, nhất là cho những người lớn tuổi. Loại răng giả tháo lắp có đặc tính dễ làm và chi phí tương đối rẻ. Hàm giả tháo lắp là loại hàm giả mà trên một cung hàm bằng nhựa acrylic, nhựa dẻo hay kim loại, có gắn những chiếc răng bằng nhựa, composit, sứ...
Những chiếc răng này có màu sắc giống như những răng còn lại của người bệnh nên tạo cho người đeo răng giả cảm giác khá thoải mái.
Lực nén khi ăn nhai của các hàm giả tháo lắp hầu hết dựa trên nền xương hàm của người bệnh, lực một phần được phân phối lên các răng còn lại, do vậy trong thời gian mới lắp, người bệnh chưa thể quen ngay được với hàm giả. Lợi của phần nền hàm sẽ bị đau mất một thời gian (thường là 3 đến 4 tuần).
Để thích ứng dần, trong thời gian đầu, người bệnh không nên ăn thức ăn cứng ngay, tốt nhất là tập đeo và phát âm nhiều để các cơ má, niêm mạc di động, lưỡi làm quen với hàm giả, ăn nhai thức ăn mềm và sau đó là ăn nhai thức ăn bình thường.
Các nhược điểm của hàm tháo lắp là vướng và nói không thật tiếng. Người bệnh mang hàm giả tháo lắp toàn phần nếu sống hàm bị teo nhiều thường hay bị rơi, ăn nhai và phát âm khó.
Với những người bị mất răng toàn bộ thì chất lượng hàm giả lúc này phụ thuộc nhiều vào độ cao sống hàm. Vậy mới có trường hợp có người mang hàm tháo lắp ăn nhai rất tốt, có người mang hàm tháo lắp lại không thể ăn nhai được và phải chịu ăn nhai mà không có răng.
Tuy nhiên, với các trường hợp này, ngành Nha khoa đã có những giải pháp kỹ thuật tiên tiến để làm những loại hàm giả tốt cho người bệnh. Khi dùng răng giả tháo lắp, nên tháo ra lúc nghỉ ngơi hoặc khi đi ngủ để niêm mạc ở hàm giả được thoáng, máu lưu thông dễ dàng. Hàm giả tháo ra nên được chùi rửa sạch sẽ, ngâm vào một ly nước nguội có nắp đậy.
- Loại răng giả cố định: loại này mang lại cảm giác ăn nhai như răng thật ngay khi lắp. Những ưu điểm vượt trội so với loại hàm giả tháo lắp đã khiến cho nhiều người bệnh yêu cầu được làm loại này.
Tuy nhiên, muốn làm loại này cần phải còn 2 răng kế bên răng đã bị mất, ngoài ra, răng bên cạnh phải còn chắc, không bị mọc lệch. Bác sĩ nha khoa sẽ mài 2 răng bên cạnh (có thể lấy tủy hoặc không), lấy mẫu răng và làm răng giả. Bước tiếp theo là lắp răng giả cho bệnh nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận