Các địa phương ký kết hợp tác du lịch, với những giải pháp giúp du lịch miền Trung cất cánh - Ảnh: T.M.
Ngày 8-8, tại Quảng Ngãi diễn ra Hội nghị sơ kết Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề Dòng chảy tinh hoa.
Du lịch vượt khó qua đại dịch
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; Tổng cục Du lịch; các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Sở Du lịch TP.HCM và Hà Nội cùng hơn 200 đại biểu đến từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các địa phương, các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan du lịch...
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Hoàng Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - nhấn mạnh hội nghị là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá lại một cách toàn diện trong quan hệ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam. Qua đó, phục hồi và phát triển du lịch các tỉnh, thành trong liên kết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế - xã hội sau đại dịch.
"Quảng Ngãi mong muốn nhận được sự quan tâm của trung ương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư. Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý về du lịch, có thương hiệu mạnh đầu tư cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, tổ hợp giải trí có chất lượng cao, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế tại tỉnh nhằm tạo sự đột phá về hạ tầng dịch vụ du lịch, tạo sức hút nổi trội của du lịch tỉnh, tạo cú hích để du lịch tăng trưởng nhanh, đột phá", ông Tuấn nói.
Các đại biểu được giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu ở các tỉnh - Ảnh: T.M.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 địa phương là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Các tỉnh thành này có nhiều cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử nổi trội, giàu tiềm năng phát triển du lịch.
Qua 2 năm liên kết, dù gặp khó khăn bởi dịch COVID-19, khai thác du lịch giữa 7 tỉnh, thành vẫn đạt những con số ấn tượng.
Năm 2021, tổng lượt khách tham quan và lưu trú của 7 tỉnh, thành đạt hơn 17,6 triệu lượt. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 63.000 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách tham quan, lưu trú ước đạt gần 33 triệu lượt. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt gần 88.000 tỉ đồng.
Gành Yến (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) - một cảnh quan, điểm du lịch nổi tiếng nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng - Ảnh: ALEX CAO
Dư địa còn rất lớn
Tại hội nghị, nhiều giải pháp của lãnh đạo các tỉnh thành và hiệp hội du lịch được đưa ra nhằm hợp tác, phát triển du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục đạt kết quả.
Ông Nguyễn Hồng Minh, phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho rằng, sự liên kết giữa Hà Nội với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có ý nghĩa rất quan trọng với quá trình phát triển du lịch của các địa phương và ngành du lịch cả nước.
"Du lịch Hà Nội cam kết không ngừng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong thời gian tới, để hoạt động phát triển du lịch đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương", ông Minh nói.
Bàu Cá Cái - một điểm du lịch mới nổi tại Quảng Ngãi thu hút đông du khách - Ảnh: ALEX CAO
Theo ông Hà Văn Siêu - phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, các địa phương trong khối liên kết tiếp tục nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa của dân tộc; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, chất lượng, hiệu quả; tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh.
"Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần chủ động hơn nữa việc đẩy mạnh mở cửa thị trường du lịch quốc tế, thông qua 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước là TP Hà Nội và TP.HCM phù hợp với chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Cơ cấu lại thị trường khách du lịch để tập trung quảng bá, xúc tiến các thị trường tiềm năng và làm mới các sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu của du khách", ông Siêu lưu ý.
Đảo Lý Sơn - thiên đường du lịch giữa biển - thu hút đông du khách trong và ngoài nước - Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Ông Đoàn Văn Việt - thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch - đánh giá cao những kết quả đạt được của mối liên kết phát triển du lịch.
Ông cho rằng, dư địa và tiềm năng phát triển du lịch ở miền Trung là rất lớn. Để sự liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM, Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành liên kết điển hình, vùng động lực phát triển, điểm đến thu hút du lịch hàng đầu Việt Nam, các địa phương quan tâm một số vấn đề: khai thác sản phẩm liên kết đặc thù cấp vùng; phát triển thị trường và quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng thu hút đầu tư du lịch, hợp tác công tư; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Dịp này, đại diện hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố ký kết hợp tác, khai thác sản phẩm du lịch kích cầu; trao kỷ niệm chương đăng cai tổ chức tổng kết diễn đàn giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Bình Định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận