Panasonic mới đây xác nhận kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Thái Lan và bắt đầu dịch chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam. Trong ảnh: khách hàng nghe tư vấn về sản phẩm Panasonic tại một cửa hàng điện máy ở TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ông Dương Văn Thái, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - địa phương đã chào đón Foxconn đến đầu tư trong thời gian qua, cho biết để đón được "đại bàng", Chính phủ nên lập danh sách tốp 500 tập đoàn lớn toàn cầu để xúc tiến đầu tư trực tiếp ở cấp Chính phủ, mời họ đến đầu tư.
Tiếp đến, cần một cơ chế đột phá để hỗ trợ nhà đầu tư lớn chuyển chuỗi cung ứng sản xuất tới VN.
Ông Dương Văn Thái, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang
Luôn đồng hành với nhà đầu tư
* Tại phiên họp với Thủ tướng mới đây, ông đã đề xuất và Thủ tướng đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để đón làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI. Vì sao ông đưa đề xuất này?
- Điều này xuất phát từ thực tế thu hút đầu tư FDI tại Bắc Giang. Chúng tôi đã lập một tổ công tác dưới sự điều hành trực tiếp của chủ tịch tỉnh để xử lý tất cả các vướng mắc của nhà đầu tư FDI. Thực tế tổ công tác hoạt động rất hiệu quả, xử lý nhanh các vướng mắc của nhà đầu tư FDI, tạo thêm sự tin tưởng.
* Foxconn - một nhà cung ứng linh kiện lớn cho Apple - đã làm nhà máy tại Bắc Giang. Tỉnh đã làm gì để thu hút được các dự án FDI được nhiều nơi trên thế giới trông đợi?
- Để hút được các dự án FDI chất lượng cao đến đầu tư, đầu tiên tỉnh phải luôn "chăm sóc" tốt các nhà đầu tư FDI đang đầu tư trên địa bàn. Từ đó, nhà đầu tư tự giới thiệu nhau đến. Những năm qua tỉnh Bắc Giang không tổ chức các cuộc xúc tiến đầu tư nhưng tất cả các vướng mắc của nhà đầu tư FDI trên địa bàn đều được tỉnh giải quyết nhanh chóng.
Tỉnh không chỉ hỗ trợ nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục cấp phép mà phải luôn đồng hành trong suốt quá trình đầu tư, như đáp ứng đủ điện cho sản xuất. Trước đây tình trạng mất điện trên địa bàn khu công nghiệp xảy ra nhiều, để cải thiện tình trạng này lãnh đạo tỉnh đã tổ chức 3 cuộc đối thoại với ngành điện. Đến nay tình trạng này đã được khắc phục.
Về nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Giang có trường cao đẳng nghề đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. Đặc biệt, số lao động xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan về nhiều, có lợi thế vốn ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tay nghề tốt. Chúng tôi tạo điều kiện để họ vào làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản.
Công ty Samsung trên đường D2 thuộc Khu công nghệ cao Q.9, TP.HCM - Ảnh: HOÀNG AN
Cần cơ chế đột phá
* Nhưng ứng xử với các doanh nghiệp được thu hút vào rồi cũng không dễ?
- Ví dụ với trường hợp Công ty TNHH Luxshare - ICT VN (nhà đầu tư Trung Quốc) vi phạm các quy định về bảo lãnh, làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú tại VN, tổ công tác đã báo cáo chủ tịch tỉnh. Tỉnh quyết định vẫn xử phạt nhưng không đánh mất sự tin tưởng của nhà đầu tư. Tổ công tác đặc biệt của tỉnh hằng ngày báo cáo chủ tịch tỉnh diễn biến vụ việc.
Bên cạnh đó, mỗi tuần tổ công tác làm việc với Công ty TNHH Luxshare - ICT VN một lần để tháo gỡ tất cả những vướng mắc. Nhiều khó khăn của nhà đầu tư như xin chuyên gia nhập cảnh vào VN, các khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhập khẩu linh phụ kiện... đều được tổ công tác đặc biệt báo cáo lãnh đạo tỉnh giải quyết trong ngày.
Một số sản phẩm tai nghe AirPods Pro bán trên thị trường được in dòng chữ Assembled in Vietnam (lắp ráp tại Việt Nam) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Lúc đầu nhà đầu tư này cũng băn khoăn nhưng thông qua tổ công tác đặc biệt, lãnh đạo tỉnh khẳng định rõ hành vi sai pháp luật của nhà đầu tư phải xử lý nghiêm nhưng tỉnh vẫn hỗ trợ tối đa nhà đầu tư.
Vì thế, mới đây nhà đầu tư này vừa quyết định mở rộng sản xuất, tăng vốn đăng ký đầu tư thêm 180 triệu USD. Đó là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự tin tưởng vào chính quyền tỉnh.
Từ hiệu quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài tại Bắc Giang, tôi đã đề xuất Thủ tướng lập tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi cả nước. Rất cần cơ chế đột phá để hỗ trợ nhà đầu tư lớn tới VN sản xuất kinh doanh.
(*): Số liệu ngày 4-5-2020, (**): Số liệu ngày 20-3-2020 - Đồ họa: N.KH.
Ông Nguyễn Tử Quỳnh (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh):
Cam kết luôn thực hiện xong trước thời hạn
Samsung đã đầu tư 3 nhà máy tại Bắc Ninh, quy mô vốn đầu tư khoảng 9,5 tỉ USD, nếu tính chung thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư vào Bắc Ninh khoảng 12 tỉ USD.
Để thành công trong thu hút các nhà đầu tư FDI lớn như Samsung, LG đến Bắc Ninh, lãnh đạo tỉnh luôn coi nhà đầu tư là bạn, đối tác. Mọi cam kết của tỉnh với nhà đầu tư luôn thực hiện trước thời hạn, nhiều thủ tục đầu tư lãnh đạo tỉnh giải quyết nhanh hơn mong muốn của nhà đầu tư nên họ rất hài lòng.
Mức ưu đãi với nhà đầu tư nước ngoài ở tất cả các địa phương đều giống nhau. Nhưng khi Samsung đến Bắc Ninh, họ rất hài lòng với hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong.
Các nhà đầu tư FDI trước khi đến VN họ tìm hiểu luật pháp rất kỹ nên chỉ đề nghị địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai dự án đầu tư. Hầu hết nhà đầu tư FDI đều nắm rất rõ các ưu đãi đầu tư họ có thể được hưởng. Về nguyên tắc địa phương không thể ra chính sách riêng được, hơn nữa các dự án đầu tư FDI lớn do các tập đoàn Samsung, LG đầu tư tại Bắc Ninh đều phải báo cáo Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư.
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN (thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Thời điểm để thay đổi
TS Trần Đình Thiên
Sự dịch chuyển dòng vốn FDI khỏi Trung Quốc đang mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có VN. Muốn đón được dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao thì các điều kiện tối thiểu của ta phải tốt, điều kiện tiếp nhận các dự án FDI phải rõ ràng, đây là lúc để thay đổi chứ không chỉ cải tiến những quy định cũ.
Chúng ta đã thay đổi chiến lược thu hút FDI mấy năm nay theo hướng thu hút nhà đầu tư lớn, bảo đảm công nghệ cao, ít xả thải môi trường, nhưng việc các địa phương có chọn được vốn FDI chất lượng hay không vẫn còn rất nan giải. Trong cơ có nguy, nguy là vài năm nay số lượng dự án FDI đổ vào VN rất nhiều nhưng quy mô dự án lại nhỏ đi, chỉ bằng 70% vốn dự án FDI những năm trước đây, nhiều nhà đầu tư quy mô vốn li ti cũng đến nước ta để đầu tư.
Để đón được các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất sang VN phụ thuộc vào nhiều điều kiện, có những thứ chúng ta đang rất thiếu như môi trường đầu tư công khai minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí hạ tầng logistics cao. VN thiếu 3 yếu tố này nên khi các "ông lớn" vào đầu tư họ rất cân nhắc.
Theo tôi, tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đón làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư phải có tầm nhìn, đưa ra luật chơi rõ ràng, để kiểm soát theo hướng ưu tiên dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Hiện nay trung ương đã trao cho địa phương nhiều quyền chủ động thu hút đầu tư nước ngoài nên cũng cần có một cơ quan để kiểm soát dòng vốn đầu tư FDI. Để chọn lọc được dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao thì cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát dòng vốn đầu tư.
Các dự án đầu tư FDI lớn nên được đánh giá theo mức độ ảnh hưởng ở tầm quốc gia, để tránh "vỡ trận" về quy hoạch thì rất cần có chỉ đạo từ cấp cao. Trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới cần chú ý tới đẳng cấp của doanh nghiệp FDI chứ không chỉ chú ý đến quy mô vốn đầu tư lớn. Vốn lớn nhưng chỉ tập trung vào lắp ráp thì cũng không nên đánh giá cao.
Có những thứ rất quan trọng trong thu hút FDI nhưng chúng ta chưa làm được, đó là thu hút những dự án có đẳng cấp công nghiệp và kết nối. Phải đặt lại chiến lược thu hút đầu tư FDI, không thể chỉ chăm chăm vào các mục tiêu ngắn hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận