22/11/2018 18:02 GMT+7

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững?

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Chung niềm trăn trở về một ĐBSCL phát triển bền vững, ngày 22-11, báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo: “Hướng đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” và tổng kết chương trình Mekong xanh tại Cần Thơ.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo: "Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL" - Ảnh: NGỌC TÀI

Hội thảo nhận được nhiều sự đóng góp của đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các chuyên gia trong và ngoài nước, các sở ngành,… để thảo luận về những thực trạng và tìm ra giải pháp cho sự phát triển.

Chương trình có sự đồng hành xuyên suốt của Công ty Cổ phần Tôn Đông Á.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? - Ảnh 2.

Là chuyên gia nước ngoài duy nhất tại buổi hội thảo, ngài Andrew Wyatt - quản lý chương trình Mekong của IUCN - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cho biết hiện người dân ĐBSCL đã có một số mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu nhưng vẫn còn thiếu - Ảnh: Chí Quốc

Thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng lấy đi của người dân ĐBSCL nhiều thứ

ĐBSCL - vùng đất trù phú được thiên nhiên dành nhiều ưu đãi bao đời nay với hệ thống sông ngòi chằng chịt mang phù sa từ thượng nguồn bồi đắp cho những cánh đồng, vườn cây thêm tươi tốt.

Trong những năm gần đây, trước thực trạng biến đổi khí hậu, thiên nhiên cũng đã lấy đi đất đai, nhà cửa, thậm chí sinh mạng của người dân ở đây.

Thực trạng hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu diễn ra ngày càng gay gắt đã đặt ra vấn đề về một sự thay đổi lớn để thích ứng với thiên nhiên.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? - Ảnh 3.

Ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Chí Quốc

Tháng 9-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát đời sống người dân bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các tỉnh ĐBSCL (cuối tháng 9-2017).

Ngay sau đó, tháng 11-2017, nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu ra đời.

Từ chủ trương này, báo Tuổi Trẻ quyết định xây dựng một kế hoạch tăng cường thông tin đến bạn đọc cả nước về đời sống kinh tế, đặc biệt là sự thích ứng, chuyển đổi của các mô hình kinh tế, khởi nghiệp của người dân trong vùng gắn với thực tế biến đổi khí hậu.

Tháng 1-2018, báo Tuổi Trẻ chính thức phát động buổi lễ ra mắt chuyên trang Mekong Xanh, kết hợp tọa đàm với chủ đề "Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL" diễn ra tại Cần Thơ.

Tại sự kiện này, Ban tổ chức nhận được sự hưởng ứng, góp ý của các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp cùng đông đảo bạn đọc trong vùng ĐBSCL và cả nước.

Tại buổi hội thảo, ông Lê Thế Chữ - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết xác định tầm quan trọng của vấn đề, đội ngũ phóng viên, chuyên gia, cộng tác viên của báo Tuổi Trẻ dồn nhiều tâm huyết và sự đầu tư tối đa để làm sao đưa đến bạn đọc cả nước thông tin hấp dẫn nhất, thông tin mang tính phản biện, góp ý xây dựng.

Đây cũng là định hướng phát triển báo chí giải pháp, nhân văn mà báo Tuổi Trẻ xác lập trong suốt thời gian qua.

Hoạt động thông tin được lan tỏa trên khắp các ấn phẩm của Tuổi Trẻ như: Tuổi trẻ ngày, Tuổi Trẻ Online, Truyền hình Tuổi Trẻ và đặc biệt xây dựng riêng chuyên trang Mekong Xanh với 24 số chuyên đề liên tục truyền tải những vấn đề nóng, bức thiết để phát triển kinh tế vùng, những câu chuyện nhân văn, ý nghĩa, những nghiên cứu khoa học, sáng kiến thiết thực.

Bên cạnh hoạt động truyền thông các sự kiện tọa đàm chuyên đề, hoạt động tìm kiếm và trao hỗ trợ kinh phí cho hơn 20 mô hình kinh tế chuyển đổi ứng phó biến đổi khí hậu mang tên "cùng xây cuộc sống xanh" đã được báo Tuổi Trẻ cùng đơn vị đồng hành Công ty Cổ phần Tôn Đông Á và lãnh đạo địa phương, các Sở nông nghiệp, hội nông dân trực tiếp đến tham quan, giao lưu và trao hỗ trợ.

Nghị quyết 120 của Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vùng ĐBSCL đang được triển khai, đây là chủ trương lớn đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành.

"Với chương trình Mekong Xanh, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng chung tay, góp sức hành động của cơ quan ban ngành, lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, tổ chức xã hội… và đông đảo bạn đọc đóng góp ý kiến phản biện cùng đồng hành với ĐBSCL cất cánh và phát triển bền vững", ông Lê Thế Chữ nói.

Nhiều ý kiến, mô hình kinh tế mới cho ĐBSCL

Là chuyên gia nước ngoài duy nhất tại buổi hội thảo, ngài Andrew Wyatt - quản lý chương trình Mekong của IUCN - Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, cho biết hiện người dân ĐBSCL đã có một số mô hình thích ứng với biển đổi khí hậu.

Ông Lê Thế Chữ - Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu tại hội thảo - Video: Đan Thuần

"Tuy nhiên, trên thế giới đang có nhiều mô hình và nhiều kinh nghiệm nhằm thích ứng với biển đổi khi hậu mà chúng ta chưa có. Tôi muốn giới thiệu chúng đến với bà con vùng ĐBSCL", ông Andrew Wyatt nói.

Ông Andrew Wyatt khuyến cáo nên bảo tồn và khôi phục vùng hấp thu lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên bằng cách chuyển sang các mô hình nông nghiệp dựa vào lũ để hấp thu nước lũ và giảm sụt lún, đảm bảo nguồn nước ngầm và bồi đắp phù sa.

Bên cạnh đó, ông Andrew Wyatt cho rằng cần dời các vuông tôm thâm canh thiếu bền vững ra xa vùng ven biển và thay thế bằng mô hình tôm rừng để bảo vệ bờ biển - việc này sẽ hạn chế việc bơm nước ngầm gây sụt lún và giúp duy trì độ cao của đồng bằng, đối phó phần nào với nước biển dân nhờ bồi đắp phù sa.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? - Ảnh 5.

Các đại biểu tham dự buổi hội thảo tham quan một mô hình biển đổi khí hậu - Ảnh: Chí Quốc

TS Trần Công Thắng - phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) góp thêm trong thời gian tới cần rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng và tỉnh ĐBSCL theo các định hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Huy động nguồn lực tổng hợp trung ương, địa phương, doanh nghiệp theo các hình thức PPP đầu tư cho cơ sở hạ tầng: thủy lợi, cụm ngành, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông.

Đổi mới tổ chức sản xuất: xây dựng CT tập trung ruộng đất, phát triển vùng nông lâm ổn định, chuyển đổi; phát triển hợp tác xã, thu hút đầu tư PT chuỗi giá trị. Phát triển khoa học công nghệ, nguồn lực, đầu tư nâng cấp Viện nghiên cứu, xây dựng chương trình nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao. Tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng và tăng cường hợp tác quốc tế: tận dụng nguồn lực, thông tin, hợp tác vùng.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? - Ảnh 6.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Ngọc Tài

Theo ông Thắng, nhiệm vụ sắp tới của ngành nông nghiệp đối với ĐBSCL là sẽ nghiên cứu bổ sung làm rõ thêm các nội dung: các thay đổi về điều kiện đất, nước nhất là tại các vùng linh hoạt; thị trường trong và ngoài nước và nghiên cứu hướng phát triển chi tiết cho từng tiểu vùng.

Đồng thời phối hợp với các bên liên quan làm rõ tính khả thi của một số giải pháp công trình; Thí điểm một số mô hình phát triển bền vững và hướng nhân rộng.

Ông Hồ Song Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, cho biết ĐBSCL là thị trường trọng điểm của Tôn Đông Á trong suốt 20 năm qua.

"Khi khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn về biến đổi khí hậu, Tôn Đông Á quyết định cùng báo Tuổi Trẻ tạo nên một kênh thông tin chính thống truyền tải trực tiếp nội dung của vùng đến với cơ quan ban ngành và giúp người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, quốc tế có góc nhìn đa chiều hơn về vựa lúa lớn nhất cả nước.

Tôi tin rằng, những thông tin đã chuyển tải, những mô hình đã vinh danh phần nào tạo được ý nghĩa tích cực đối với nền kinh tế địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Với định hướng phát triển bền vững, bên cạnh việc cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, Tôn Đông Á còn chia sẻ thành công với xã hội, thực hiện phương châm hoạt động của mình thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, chung tay xây dựng cuộc sống xanh, ươm mầm cho thế hệ tương lai đất nước", ông Ngọc nói.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên