Dẫn ví dụ việc Vũ "nhôm" thâu tóm nhà, đất công ở Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: "Nhà nước được cái gì?". Chưa rõ Nhà nước được gì, nhưng một điều ai cũng thấy là niềm tin của người dân thì mất mát trong khi bức xúc xã hội lại tăng lên.
Diễn ra trước mắt người dân, tài sản nhà nước như những miếng mồi ngon bị quan tham cấu kết với các nhóm lợi ích mang bóng dáng "mafia" xâu xé, chia chác bằng nhiều hình thức, thủ đoạn khác nhau.
Trước thực trạng như vậy, hẳn là mọi cán bộ, công chức và người dân yêu nước đều ủng hộ yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Tài chính: khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, đặc biệt là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia.
Vậy phải làm gì để ngăn chặn nạn xâu xé tài sản công và đặc biệt là chặt đứt các nhóm lợi ích đang thao túng nó? Trong ví dụ cụ thể được nêu, để giải đáp câu hỏi của Thủ tướng "Nhà nước được cái gì?", thì cần trả lời: Vũ "nhôm" là ai, bằng cách thức nào để anh ta tư hữu được khối tài sản công khổng lồ như vậy?
Trả lời rõ ràng, chúng ta sẽ biết được Vũ "nhôm" đại diện cho nhóm nào và trong nhóm đó có những gương mặt ra sao.
Vì ngay cả Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng nêu ra băn khoăn của dư luận Đà Nẵng: Tại sao những bức xúc đối với Vũ "nhôm" là ở lĩnh vực bất động sản mà anh ta lại bị khởi tố về tội làm lộ bí mật nhà nước?
Chỉ một ví dụ cụ thể, với chừng ấy dữ liệu cũng đủ cho thấy tính phức tạp của vấn đề. Điều đó cũng cho thấy thể chế quản lý hiện hành chưa đủ để ngăn chặn nạn xâu xé công sản.
Việc bắt đi một vài con chuột có thể làm hả dạ người dân nhưng không thể làm bồ thóc đầy trở lại.
Muốn công sản không bị mất đi, ngoài việc xử lý mạnh tay với bầy chuột, thì đồng thời với kiểm đếm (xây dựng dữ liệu quốc gia như yêu cầu của Thủ tướng) phải xây dựng cơ chế để chủ nhân thực sự của nó - nhân dân - có quyền giám sát, kiểm soát dựa trên những quy định công khai, minh bạch, cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn trong sử dụng, quản lý công sản gắn với trách nhiệm giải trình của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận