14/01/2016 11:55 GMT+7

Làm gì cũng cần nền tảng

TẤN KHÔI
TẤN KHÔI

TT - Thật ra, không phải tự nhiên ông bà mình rút ra câu: “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, mà bởi vì con người ai muốn có hiểu biết, giỏi kiến thức, giỏi nghề, giỏi việc... cũng đều cần học hỏi.

Quá trình học và hỏi ở trường ở lớp rất quan trọng, bởi những kiến thức thu nạp được từ môi trường trường lớp chính là kiến thức nền, là định lượng đánh giá về năng lực của mỗi người trong quá trình học tập và rèn luyện. Để từ đó xem như một căn cứ đánh giá khả năng làm việc, tính cách và cả đạo đức của người ấy - làm cơ sở cho việc bố trí công việc hoặc tin tưởng giao việc ở một cơ quan công tác cụ thể.

Thường thì người học giỏi, chịu khó rèn luyện và có những thành tích tốt ở trường cũng như tích lũy được lượng kiến thức cao (nhiều) thông qua các bằng cấp tương ứng và được công nhận trong một ngôi trường tốt về đào tạo thì sẽ thành công hơn trong cuộc sống, trong công việc. Điều đó chứng minh rằng việc học cơ bản ở trường lớp là rất quan trọng, bởi đó là điều kiện cần để một người có đủ kiến thức bắt đầu khởi nghiệp, làm việc.

Và đương nhiên, để thành công vượt bậc thì cần nhiều yếu tố khác nữa chứ không chỉ là học giỏi ở trường - trong đó có yếu tố kỹ năng mềm như giao tiếp, khả năng quản trị bản thân, học tập không ngừng từ chính công việc mình đang làm, từ cả những va vấp, thất bại mà mình sẽ trải qua...

Cũng phải khẳng định một điều là bài học ở trường lớp hay bằng cấp được công nhận không nói lên hết về một con người, cũng không phải là yếu tố duy nhất để thành công trong công việc. Xác định như thế vì có nhiều người bỏ ngang việc học hoặc không phải là người học cao nhưng lại rất thành công, rất tài giỏi ở những lĩnh vực mà họ chọn. Tuy nhiên, phải hiểu là dù họ không học chính quy ở trường lớp nhưng họ đã, đang và luôn học, nỗ lực rất nhiều từ chính lựa chọn (mạo hiểm) của mình - nơi cuộc sống, công việc họ đang đảm nhiệm.

Vì vậy, chúng ta có thể nhìn những người thành công từ việc họ dang dở học hành do lựa chọn của họ để ngưỡng mộ và “lập trình” cho mình con đường tương tự nếu muốn, nhưng cũng đừng quên rất nhiều người khác (trong mặt bằng chung của xã hội) phải học tập không ngừng, luôn tích lũy kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, từ sách vở... và ứng dụng khéo léo vào thực tế bản thân.

Có những ngoại lệ đáng nể, đáng ghi nhận nhưng không thể bỏ qua công thức chung và an toàn của con đường thành công luôn bắt đầu từ việc học tập, rèn luyện nghiêm túc của mỗi người ngay từ ghế nhà trường và xuyên suốt cho đến hết đời.

Thế giới ngày nay dùng từ “cập nhật” để chỉ việc học không ngừng ấy, bởi sự thay đổi quá nhanh của nhiều thứ xung quanh, của công nghệ... Nếu một người đóng khung việc học của mình lại, cho là đã đủ thì sẽ nhanh chóng thụt lùi và đó đã là một nguyên nhân cơ bản của thất bại.

Thiếu kiến thức thời đại, thiếu thông tin của cuộc sống hiện tại... thì không thể nào có được thành công, nên câu “học, học nữa, học mãi” sẽ luôn cần thiết cho những ai muốn tiến xa trong lĩnh vực mình đang làm!

TẤN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên