04/05/2019 10:17 GMT+7

Làm được việc quan trọng hơn giờ giấc

BẠN ĐỌC
BẠN ĐỌC

TTO - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thêm đề xuất về giờ làm việc là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trong dự thảo Bộ luật lao động). Cần cân nhắc và thận trọng với thay đổi này, trước hết cần lưu tâm đến chất lượng công việc chung.



Làm được việc quan trọng hơn giờ giấc - Ảnh 1.

Giờ hành chính bắt đầu từ 8h30 có thể làm tăng kẹt xe ở đô thị lớn - Ảnh: Q.ĐỊNH

Từ bài viết Thời gian bắt đầu làm việc: 7h30? 8h hay 8h30?Tuổi Trẻ giới thiệu 3 ý kiến bạn đọc về đề xuất này.

Lắng nghe khi điều chỉnh

Về đề xuất cán bộ, công chức, viên chức bắt đầu làm việc từ 8h30 sáng, kết thúc lúc 17h30 và nghỉ trưa 60 phút, ý kiến đồng tình cũng nhiều mà ý kiến phản đối xem ra cũng không ít. Nhiều ý kiến trái chiều như vậy chứng tỏ phương án này chưa phù hợp, xã hội chưa đồng tình.

Những người đưa ra đề xuất này không phải không có những nghiên cứu và suy nghĩ vì lợi ích chung của cộng đồng. 

Tuy nhiên, thực ra có những điểm bản thân tôi thấy không phù hợp với thực tiễn ở TP.HCM (và nhiều thành phố lớn khác). 

Nếu để ý một chút, chúng ta thấy rằng các con đường ở TP.HCM không kẹt xe vào tầm 6h - 7h sáng, mà thường kẹt xe vào khoảng 7h30 - 8h30. Theo quy định hiện nay, giờ làm việc bắt đầu từ 7h đến 7h30, hầu hết trường học từ 6h45 đến 7h15. 

Tại sao giờ đông xe lại sau thời điểm này? Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ số cán bộ, công chức, viên chức không đông bằng người làm việc tự do và các cơ quan khác. 

Đổi giờ làm theo hướng muộn hơn có thể gây ra tình trạng kẹt xe trầm trọng hơn sau 7h30 ở các đô thị.

Ở miền Bắc, nhất là vào mùa đông, việc làm việc từ 8h30 có vẻ hợp lý, nhưng tại miền Nam giờ này trời đã rất nóng. Học sinh vào học khoảng 7h, cha mẹ đưa con đến trường rồi phải chờ hơn một tiếng mới đi làm. 

Buổi chiều, học sinh nghỉ từ 4h15 đến trước 5h, cha mẹ lại nghỉ làm lúc 5h30. Giờ giấc so le kiểu này sẽ là nguyên nhân cho những phát sinh thêm nhiều người "ăn cắp" thời gian làm việc để đón nếu không muốn con mình nheo nhóc đợi ở trường.

Không có bất kỳ một quy định nào có thể thỏa mãn mong muốn của mọi người. Tuy nhiên, các quy định khi ban hành cần đảm bảo đáp ứng lợi ích, nguyện vọng của số đông. 

Với một đề xuất gây nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến khác nhau thì các cơ quan có trách nhiệm cũng cần nghiêm túc lắng nghe thêm.

VŨ TRUNG KIÊN (TP.HCM)

Thay đổi có thuận lợi hơn không?

Những người xung quanh tôi đặt vấn đề: thay đổi này sẽ được gì - mất gì, có thuận lợi hơn cho người lao động không? Nếu cơ quan hành chính đổi giờ làm việc, trường học có đổi không? Có nhiều lý do để đưa ra đề xuất mới này. 

Nhưng mọi thay đổi trước tiên phải vì sự hợp lý với thực tiễn cuộc sống của chúng ta và hướng đến sự tiện lợi hơn cho người lao động.

Các cơ quan hành chính đổi giờ, vậy trường học có đổi không? Người lớn đi làm trễ nhưng trẻ con vẫn đi học sớm thì thu xếp cuộc sống gia đình như thế nào? 

Mọi người xung quanh tôi đang đặt câu hỏi này không chỉ vì sự tiện lợi của riêng nhà ai, mà là câu chuyện dân sinh xã hội. Thay đổi cần lưu tâm đến vấn đề cuộc sống và hiệu quả làm việc của người lao động.

Đổi giờ làm còn tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và phải tính đến cả thời điểm nào người lao động làm việc hiệu quả nhất. Cá nhân tôi cho rằng nơi khí hậu lạnh có thể làm muộn giờ hơn. Miền Nam nắng và nóng, đi làm sớm, chiều về sớm, nghỉ ngơi sớm như hiện nay hợp lý hơn làm muộn, về muộn, ngủ muộn.

Thời gian nghỉ trưa hiện nay đang là hai tiếng, nếu giảm còn một tiếng thì sẽ thế nào? Nhiều bạn bè tôi ở các đô thị lớn cho rằng nghỉ và ăn trưa 60 phút là đủ, nhưng việc này có thể phù hợp với những nơi có thể ăn trưa và nghỉ trưa tại cơ quan. 

Thực tế mức sống chúng ta còn thấp, rất đông người vẫn về ăn cơm trưa ở nhà để tiết kiệm chi tiêu. Thời gian nghỉ quá ngắn có thể gây mệt mỏi thêm, ảnh hưởng chất lượng công việc buổi chiều.

Các bạn miền Bắc cho rằng mùa đông làm việc từ 8h30 là hợp lý, mùa hè thì 7h vẫn ổn. Với quy định hiện nay, nhiều cơ quan ở miền Bắc vẫn linh động theo mùa, cho nhân viên làm theo giờ phù hợp.

CHÚC LINH (Hậu Giang)

Cần cách quản lý mới hiệu quả hơn

Tôi cho rằng năng suất làm việc quan trọng hơn thời gian làm việc. Hiện tượng lãng phí thời gian diễn ra khắp nơi ở cơ quan nhà nước. 

Không ít người ngày nào cũng đến muộn và tranh thủ về sớm với vô vàn lý do chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già, lo bữa ăn cho gia đình... 

Khái niệm giờ hành chánh với họ trở nên vô nghĩa. Một biểu hiện nữa là mọi người mất quá nhiều thời gian làm việc riêng trong giờ làm việc: dạo mạng xã hội, tán gẫu khi đang làm việc, nhiều việc có thể giải quyết năm ba phút nhưng lại bắt người khác chờ…

Để có được năng suất làm việc hiệu quả, nên giao cho nhà quản lý thiết kế lịch làm việc của riêng cơ quan mình theo đặc trưng và không ảnh hưởng đến tốc độ giải quyết công việc chung. 

Làm việc từ xa, qua mạng không lạ và hiệu quả hơn, nhưng cách làm việc như vậy vẫn còn xa lạ với người Việt chúng ta. Vì sao? Chúng ta chậm đổi mới và khi đổi mới chỉ chọn những thay đổi nhỏ, không phải là yếu tố quyết định nhằm nâng cao năng suất lao động.

Quản lý, điều hành theo năng suất quan trọng và hiệu quả hơn cách làm theo giờ giấc đã rất cũ lâu nay.

LÊ TẤN THỜI (An Giang)

Bắt đầu làm việc từ 7h30, 8h, hay 8h30?

TTO - Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đề xuất thống nhất giờ làm việc của các cơ quan hành chính trên toàn quốc bắt đầu từ 8h30, nghỉ trưa 60 phút và kết thúc lúc 17h30.

BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên