Ảnh minh họa. Nguồn: dailymail.co.uk
Vitamin (còn gọi là sinh tố) là những chất dinh dưỡng cần thiết cần được cung cấp hàng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Theo nghiên cứu của Viện Y tế Hoa Kỳ thì có 13 loại vitamin cần thiết cho cơ thể, trong đó có 4 vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và 9 vitamin tan trong nước như vitamin C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP...). Còn chất khoáng là các chất vô cơ cần được bổ sung hằng ngày, bao gồm các nguyên tố đại lượng được cung cấp với số lượng lớn như Calci (Ca), Phosphor (P) và các nguyên tố vi lượng như Sắt (Fe), Iod (I), Kẽm (Zn),…Cũng giống như vitamin, các chất khoáng có thể bổ sung hàng ngày qua thực phẩm. Riêng với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển thì việc cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng là rất quan trọng, đặc biệt là đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, hay trẻ sau giai đoạn bị bệnh (nhiễm trùng, ho hen, tiêu chảy...) thì việc uống vitamin và chất khoáng là rất cần thiết.
Trẻ bình thường có cần thiết bổ sung vitamin?
Về mặt lý thuyết, nếu trẻ ăn uống cân bằng, hợp lý, đầy đủ và tình trạng cơ thể bình thường (tức không có dấu hiệu suy dinh dưỡng) thì không cần bổ sung vitamin. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh có nghi ngờ về chế độ ăn của trẻ không cung cấp đầy đủ dưỡng chất thì nên bổ sung vitamin và phải đúng liều lượng. Đối với trẻ béo phì nên ăn uống ở chế độ ít chất béo và cần thiết phải bổ sung các vitamin, vì chế độ ăn kiêng ít chất béo không giúp hấp thu đủ lượng vitamin tan trong dầu là vitamin A, D, E, K (vitamin và chất khoáng không cung cấp năng lượng). Riêng với trẻ sơ sinh, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bởi trong sữa mẹ đã có đầy đủ các vitamin và chất khoáng cần thiết cho trẻ và các chất này trong sữa mẹ thường dễ hấp thu. Nếu các bà mẹ muốn bổ sung thêm vitamin cho trẻ sơ sinh thì chính mình dùng thuốc bổ sung, sau đó cho con bú để thông qua sữa mẹ con nhận được lượng vitamin cần thiết. Việc lạm dụng quá nhiều thuốc bổ sẽ dẫn đến tình trạng thừa vitamin và chất khoáng rất có hại cho trẻ. Thậm chí, nhiều phụ huynh đã nghĩ rằng thuốc bổ có thể thay thế thức ăn nên không quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ, vì vậy sẽ xảy ra trường hợp trẻ dùng thừa thuốc bổ mà vẫn bị suy dinh dưỡng.
Những lưu ý khi dùng thuốc bổ cho trẻ
Việc sử dụng thuốc bổ sung vitamin và chất khoáng không thay thế được thức ăn, cần phải cho trẻ ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm. Vitamin A và D không được dùng thừa, dùng quá liều vì sẽ tích lũy lại trong cơ thể và có thể gây ngộ độc. Nếu dùng quá liều vitamin A, với phụ nữ mang thai có thể gây quái thai, còn trẻ sơ sinh thì bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau (rau) thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn, xương hóa sụn sớm.
Không nên dùng vitamin C liều quá cao (hơn 1g/ngày) vì có thể gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa, sỏi thận khi dùng dài ngày. Hiện nay, trên thị trường có loại thuốc viên vitamin C dạng sủi bọt chứa 1g dược chất mỗi viên, không nên xem đây là nước giải khát và cho trẻ uống nhiều viên hàng ngày sẽ dễ làm trẻ bị ngộ độc. Thuốc bổ đông y cũng có những độc chất như trong thuốc Tây y, vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên nghe lời truyền miệng, đồn đại về một toa thuốc, vị thuốc nào đó mà tự tiện sử dụng lâu dài. Thuốc bổ cũng là một dược chất và chỉ phát huy hiệu quả khi được điều trị đúng lúc, đúng liều lượng. Do vậy việc sử dụng thuốc bổ cần phải được bác sĩ, thầy thuốc kê toa, không được tự ý cho trẻ sử dụng để tránh hậu quả đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận