Ngày 25-8, các nghiên cứu mới được công bố ở Hội thảo tham vấn về hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam do Viện Khoa học xã hội (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức cho thấy mặc dù đã có Luật cư trú năm 2006 và sửa đổi vào năm 2013, sổ hộ khẩu vẫn đang bị lạm dụng để gây khó khăn cho các hộ dân sống tạm trú ở những đô thị lớn.
Theo PGS.TS Đặng Nguyên Anh (viện trưởng Viện Khoa học xã hội), sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và về bản chất chỉ có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.
Luật cư trú quy định nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, phát hiện từ nghiên cứu định tính của Viện Xã hội học tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Đắk Nông cho thấy một số địa phương, nhất là các thành phố lớn, đã đề ra những quy định riêng về điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú không đúng tinh thần của Luật cư trú.
“Trong thực tế cuốn sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh nói. Cụ thể là nhiều giao dịch dân sự yêu cầu hộ khẩu tuy không có trong quy định pháp luật (lắp điện thoại, lắp đồng hồ điện, nước cũng phải sử dụng hộ khẩu).
Thậm chí nhiều nơi công dân được yêu cầu có hộ khẩu thì mới được cấp sổ đỏ, có hộ khẩu mới được chứng thực hộ tịch như chứng tử, chứng sinh...
Tại hội thảo, chuyên gia Gabriel Demombynes của WB và PGS.TS Đặng Nguyên Anh có chung khuyến nghị Việt Nam nên giảm rào cản trong các thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú.
Đặc biệt cần tách rời giữa đăng ký cư trú với việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vì các quy định ràng buộc hộ khẩu với các dịch vụ ăn theo khiến những gia đình không có hộ khẩu ở nơi cư trú gặp bất lợi, tốn kém và hạn chế hòa nhập xã hội.
“Cần tiến tới thay thế hộ khẩu bằng thẻ công dân” - PGS.TS Đặng Nguyên Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận