17/10/2024 09:43 GMT+7

Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh

Để câu view, câu like, xây kênh, nhiều người dùng mạng xã hội sẵn sàng săn lùng những tin tức giật gân, hình ảnh thương tâm, chết chóc thảm khốc để đăng kênh Facebook, TikTok của mình.

Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh - Ảnh 1.

Những hình ảnh thi hài nạn nhân bão lũ không chỉ gây sốc, ám ảnh người xem mà còn kéo dài nỗi đau đớn của gia đình nạn nhân

Những hình ảnh ghê rợn không được làm mờ kèm tít giật gân, lời nói ra vẻ thương cảm (nhưng vô cảm) để tạo sốc, gây tò mò cho cộng đồng mạng không chỉ sai trái về đạo đức mà còn có thể vi phạm pháp luật.

Mạng xã hội có không ít hội nhóm thường đăng tải video, hình ảnh nạn nhân tử vong do thảm họa thiên tai, án mạng, tai nạn giao thông, thậm chí bệnh nhân sắp lìa đời nhằm gây sốc, tò mò và lòng thương cảm để câu tương tác hoặc cho những mục đích thương mại khác.

Trong nhóm V.H.G.T. với hơn 85.000 thành viên trên Facebook, tài khoản B.T.T. thường xuyên đăng tải những đoạn video ghi lại toàn cảnh các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà đa phần nạn nhân không qua khỏi.

Đưa hình ảnh nạn nhân, án mạng

Những video nêu trên được trích từ camera an ninh trong khu vực hoặc camera hành trình của ô tô, có khi là do chính những người có mặt tại hiện trường ghi lại. Đính kèm những hình ảnh thương tâm, ghê rợn không được làm mờ hay che bớt để gây sốc và ám ảnh, người này còn ghim các mô tả vô cảm như "cháu nhỏ đã mất", "1 con excer, 1 con wave. Thông tin từ camera chạy bằng cơm 2 cháu đã đăng xuất khỏi trái đất" hay "một vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại quán P.L… c.ắ.t cổ người yêu rồi tutu" kèm theo video diễn biến vụ việc dưới phần bình luận.

Những hội nhóm hay fanpage tương tự đa phần hoạt động với tiêu chí cập nhật tin tức xảy ra trên địa bàn cho người xem. Để duy trì tương tác và tạo độ "hot" cho kênh của mình, các quản trị viên (admin) phải săn lùng những video gốc, video độc quyền để đăng tải và cập nhật thường xuyên.

"Mặc dù việc chia sẻ hình ảnh, video clip những vụ tai nạn để cảnh báo cộng đồng là điều bình thường nhưng nếu dùng sự rủi ro, bất hạnh của người khác để câu like, câu view cho kênh của mình thì không hay cho lắm" - chị Hải Châu (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), một người thường xuyên cập nhật tin tức bằng mạng xã hội, bày tỏ ý kiến.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Bình (34 tuổi, TP.HCM) lo ngại vì nhiều kiểu tin tức giật gân như vậy lại thu hút người xem và tương tác. "Người bị nạn đã chẳng may không qua khỏi, dù là do tai nạn giao thông hay bệnh tật thì người đau lòng nhất chính là người thân của họ, chắc chắn không ai muốn xem đi xem lại những hình ảnh đau lòng đó. Làm ơn hãy nghĩ đến những người ở lại", anh Bình nói.

Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh - Ảnh 2.

Nhiều hình ảnh chết chóc thương tâm vì thiên tai của đồng bào miền Bắc đăng lên mạng xã hội mà không được che mờ

Xây kênh bằng hình ảnh nạn nhân bão lũ

Sau hậu quả nặng nề mà bão số 3 (Yagi) gây ra cho các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là thảm họa Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) vừa qua, trên mạng xã hội có rất nhiều người đã bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ và kêu gọi sự chung tay giúp đỡ đồng bào.

Tuy nhiên cũng có những người đã lợi dụng hình ảnh, video từ thảm họa vô cùng đau lòng này kiếm tương tác, thậm chí để xây kênh TikTok. Dù thảm họa đã qua, những phiên livestream về tình hình ở thôn Làng Nủ vẫn đang diễn ra, thu hút nhiều người tò mò theo dõi.

Trước đó, kênh TikTok có tên C.N.T.T… liên tục đăng tải những video giống như được cắt ra từ một phiên livestream (phát trực tiếp). "Hồi hộp quá cả nhà ơi, mời cả nhà xem video hết sức bình tĩnh, nhớ đăng ký kênh và ấn nút chia sẻ nha cả nhà" - giọng người đàn ông trung niên nói trong video.

Xem qua kênh TikTok này, hàng trăm video đều chỉ chung chủ đề thảm cảnh Làng Nủ, kích thích sự tò mò của người xem như "người phụ nữ áo trắng hiện lên kìa", "thấy cái áo rồi", "mùi hôi nồng nặc", "đã tìm thấy nạn nhân"...

Đến nay kênh TikTok này đã sở hữu gần 29.000 lượt theo dõi, dù video đầu tiên chỉ mới được đăng tải ngày 21-9-2024. Trong đó ba video được ghim đầu trang đã thu hút từ 1-4 triệu lượt xem.

Thử trao đổi với chủ kênh TikTok này, ông ta cho biết mình không phải là người dân Làng Nủ, chỉ quay video và chia sẻ lên cho mọi người cùng xem, sau đó người này cũng chặn luôn TikTok của phóng viên.

Ngoài ra, chỉ cần search (tìm kiếm) cụm từ "Làng Nủ" là hàng loạt những hình ảnh và video cả người lẫn bùn đất, tiếng khóc lẫn tiếng máy xới đất… ngay lập tức xuất hiện. Ngoài những thiện ý tốt kêu gọi sự quan tâm và sẻ chia, không ít video được các TikToker cố tình cắt ghép hình ảnh bi thảm, chỉnh sửa lại rồi thi nhau đăng tải lại để kiếm like, kiếm view về cho kênh của mình.

Không chỉ trên TikTok, những fanpage trên Facebook cũng nhanh chóng lan truyền rất nhiều video về các nạn nhân không may bị vùi lấp do sạt lở ở Làng Nủ và thiên tai ở miền Bắc nước ta thời gian qua.

Trên fanpage M.H. (có hơn 12.000 lượt theo dõi) ghim hẳn một video các chiến sĩ đang cố gắng đưa một em bé ra khỏi bùn đất, đau lòng là hình ảnh em bé cứng đờ không được che mờ đưa lên từ bùn sâu khiến người xem không khỏi xót xa rồi ám ảnh. Video này đã thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem, hơn 8.000 lượt bình luận và gần 3.000 lượt chia sẻ.

Rất nhiều những hình ảnh, video như vậy đang được lan truyền trên mạng xã hội, sau đó được các nền tảng gắn nhãn "nội dung bạo lực hoặc phản cảm" để cảnh báo người dùng trước khi họ muốn click vào xem nội dung đầy đủ.

Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh - Ảnh 3.

Kênh TikTok với tất cả video đều có nội dung thảm họa Làng Nủ cùng những dòng phản cảm

Biết là thiên tai rất đáng sợ nhưng những hình ảnh quá đau thương thế này đưa lên rõ mồn một như vậy liệu có quá tàn nhẫn với các cháu và gia đình hay không?
Facebook T.L. bình luận về hình ảnh của nạn nhân ở Làng Nủ không được che mờ trên mạng xã hội.

Nỗi đau người ở lại

Chị Trương Quý Linh (31 tuổi, TP Thủ Đức) chia sẻ quan điểm rằng các TikToker câu view đã quay rõ những cảnh tang thương, chết chóc là vô cùng thiếu tôn trọng gia đình nạn nhân.

"Đưa những hình ảnh, video như vậy càng xoáy sâu nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân. Hơn nữa, nó còn góp phần cổ súy cho các TikToker khác bất chấp nổi tiếng bằng mọi giá, lợi dụng nỗi đau và sự mất mát của người khác", chị Linh nói.

Chưa kể những hình ảnh từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nhưng đã xảy ra từ rất lâu trước đó, hoặc hình ảnh các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng được những trang mạng này mang ra đăng lại nhằm kéo tương tác cho page, gây sốc và ám ảnh cho người xem.

Ông Cho Yongsang (42 tuổi, Seoul, Hàn Quốc) cho biết qua báo chí, ông biết hậu quả bão Yagi đã gây ra cho miền Bắc Việt Nam nhưng nhiều hình ảnh thương tâm được lan truyền lồ lộ trên mạng xã hội khiến ông hoang mang.

Ngoài ra, đối với tình trạng nhiều thông tin độc hại chưa xác thực được phát tán và lan truyền trên nhiều nền tảng mạng xã hội, ông Yongsang cũng bày tỏ ý kiến: "Tôi không thích việc nhiều người dùng mạng xã hội cố tình thu hút bằng những tin tức giả mạo và các video khiêu khích, những thông tin chưa xác thực được phát tán trên Internet như thể chúng là sự thật. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà với nhiều quốc gia khác trên thế giới thì điều này là hoàn toàn không tốt, cần phải lên án".

Nhiều người dùng mạng xã hội đồng tình rằng không tránh khỏi những người nhẹ dạ sẽ dễ dàng tin vào những thông tin không đúng hoặc có thể bị sốc, ám ảnh nghiêm trọng trước những hình ảnh bi thảm như thi thể người chết cùng không khí đau thương không được che mờ.

(Còn tiếp)

Lạm dụng hình ảnh đau lòng để câu view: Gây sốc, sợ hãi và ám ảnh - Ảnh 4.Đăng video ‘Quả báo Làng Nủ Lào Cai’ câu view bất chấp, doanh nghiệp quản lý kênh YouTube bị xử phạt

Kênh YouTube khiến dư luận bức xúc và phẫn nộ vì câu view bất chấp khi đăng một video có tựa ‘Quả báo Làng Nủ Lào Cai’. Công an Hà Nội mới đây đã xử phạt doanh nghiệp quản lý kênh này.



Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên