Thế nhưng không phải chị em nào cũng lựa chọn được cách làm đẹp, phương pháp làm đẹp an toàn.
Thợ cắt tóc, làm móng cũng khoác áo blouse
Dạo quanh một vòng những cửa hàng cắt tóc, làm móng, chăm sóc da… những ngày cận Tết, không khó để bắt gặp những hình ảnh chị em ngồi chờ đợi. Đáng nói, có những tiệm cắt tóc, làm móng… không chỉ làm "chuyên môn" của mình, mà còn thực hiện các thủ thuật có xâm lấn, phổ biến nhất là tiêm filler.
Đến một cửa hàng làm móng tại vùng ngoại ô Hà Nội, bên cạnh những bàn ghế để làm móng tay, móng chân, cửa hàng còn bố trí một "phòng Vip" để tiêm filler cho khách.
Ngay khi được biết khách có nhu cầu tiêm filler, chủ cửa hàng tên H. (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhanh nhảu tư vấn.
"Mặt chị chỉ cần tiêm 2 mũi ở cằm cho đầy đặn, tiêm thêm 2 mũi cho sống mũi cao hơn là đẹp. Giá mỗi mũi tiêm là 500.000 đồng. Em đảm bảo không đau, tiêm xong nhìn đẹp ngay sau 30 phút", H. nói.
Khi phóng viên bày tỏ nghi ngờ liệu tiêm vậy có an toàn, có biến chứng không thì H. khẳng định mình đã tham gia lớp đào tạo cả trăm triệu, filler là hàng xách tay nên không phải lo lắng.
"Em làm cả năm nay rồi, cả trăm khách tiêm đều đẹp nên chị yên tâm. Nhiều khách tận Hà Nam, Hòa Bình còn đặt lịch em tiêm tận nhà nữa mà", H. trấn an.
Sau đó, H. quay trở về "phòng Vip", chuẩn bị "đồ nghề" để tiêm filler cằm cho khách. Căn phòng đơn giản chỉ là một chiếc ghế nằm giống như chiếc ghế dành cho khách gội đầu và được ngăn cách với khách làm móng tay, móng chân bằng tấm rèm vải.
Trên khay đựng dụng cụ vỏn vẹn có tấm bông gạt, găng tay, filler, kim tiêm… Sau khi chuẩn bị xong, H. chỉ mất 30 phút để hoàn thiện một "ca" nâng mũi với giá 2 triệu đồng.
Biến chứng rình rập từ cơ sở làm đẹp chui
Nhiều người cho rằng việc tiêm filler làm đẹp rất đơn giản, không gây biến chứng, thế nhưng thực tế đã có nhiều người trở thành nạn nhân từ những cơ sở làm đẹp không được cấp phép bởi những người không có chuyên môn.
Mới đây, chị N.T.M. (22 tuổi, Hà Nội) tìm đến Bệnh viện Da liễu trung ương trong tình trạng toàn bộ cánh mũi, rãnh mũi, môi trên sưng nề kèm theo mụn mủ sau khi tiêm filler làm đầy tại một spa.
May mắn, chị M. đến bệnh viện kịp thời nên đã được các bác sĩ tiêm thuốc giải, tình trạng ổn định.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, phó trưởng khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương, cho biết nếu bệnh nhân không đến kịp thời có thể dẫn đến hoại tử môi, mũi, thậm chí mất thị lực do bị tiêm sai kỹ thuật.
Theo bác sĩ Quang, cận Tết là dịp bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp biến chứng do tiêm filler.
Tiêm filler là phương pháp làm đẹp nhanh chóng, ít xâm lấn nên được nhiều người lựa chọn thực hiện trong dịp Tết.
Tuy nhiên, việc tiêm filler làm đẹp mũi, cằm, môi… nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật có thể dẫn đến nhiễm trùng, sốc phản vệ, thậm chí gây tử vong.
"Do đó, để đảm bảo an toàn, trước khi thực hiện, các chị em cần tìm hiểu kỹ thông tin về phương pháp làm, cơ sở thực hiện, kinh nghiệm chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật… Không nên thực hiện theo số đông, lời giới thiệu từ người thân quen, hoặc quảng cáo sai sự thật của một số cơ sở làm đẹp không uy tín", bác sĩ Quang khuyến cáo.
Chỉ thực hiện làm đẹp xâm lấn ở cơ sở được cấp phép
Theo tiến sĩ thẩm mỹ Tống Hải - chủ nhiệm khoa vi phẫu và tái tạo, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng quốc gia, các dịch vụ nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… đều là những thủ thuật có xâm lấn, phải được các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện.
"Hiện nay đã có quy định xử phạt hành chính đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 40 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, so với lợi nhuận thu được từ dịch vụ làm đẹp này, nhiều người vẫn bất chấp thực hiện dù không được cấp phép.
Bởi vậy, để tự bảo vệ mình, mỗi người nên tìm hiểu thật kỹ cơ sở thẩm mỹ để lựa chọn. Tránh những biến chứng gây tổn hại đến cả sức khỏe và kinh tế", tiến sĩ Hải khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận