Phóng to |
Ông Phan Đức Chương (trái) có nhà bên cạnh lô đất làm chứng rằng ông Nguyễn Dũng làm đại diện đi mua đất cho nhiều người - Ảnh: TR.TÂN |
Theo ông Nguyễn Dũng (50 tuổi, trú thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk), đầu năm 2008 nghe có việc tách huyện Krông Búk thành thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Búk, ông Dũng, ông Đậu La Lam và một số người khác mua chung 7 sào đất gần khu vực nghe nói sẽ làm trung tâm huyện (ở xã Cư Kpô, Krông Búk). Giá 7 sào đất - chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - hơn 1,5 tỉ đồng. Ông Dũng được cử làm người đại diện. Cả nhóm bàn bạc sẽ phân đất thành nhiều lô nhỏ và bốc thăm chọn lô cho công bằng...
Tuy nhiên cuối năm 2010, UBND huyện Krông Búk (mới) công bố bản đồ quy hoạch tổng thể khu hành chính trung tâm của huyện (khoảng 100ha) bao gồm 7 sào đất cả nhóm đã mua. Từ khi biết đất sẽ bị giải tỏa, ông Đậu La Lam đâm đơn kiện ông Dũng ra Tòa án nhân dân huyện Krông Búk. Lý do: ông Lam cho rằng ông mua đất của ông Dũng với thỏa thuận ông Dũng phải hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thổ cư nhưng vì ông Dũng không hoàn thành nên ông khởi kiện để đòi lại tiền.
Về phía mình, ông Đậu La Lam nói ông hỏi mua hai lô đất của ông Dũng giá hơn 100 triệu đồng/lô. Tuy nhiên ông Dũng kêu ông ký vào giấy thỏa thuận để ông Dũng làm đại diện, lấy lý do để tiện việc làm giấy tờ. Ông Lam cũng nói ông Dũng hứa miệng là sẽ hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở trước khi giao đất cho ông. Ông Lam nói: “Việc mua đất không có giấy mua bán, không có sơ đồ, vị trí tứ cận của lô đất, việc trả tiền không có giấy giao nhận tiền... là vì tôi nghĩ rằng lô đất sẽ nằm ở khu vực trung tâm huyện nên mới chủ quan, khi biết lô đất bị quy hoạch thì quá muộn. Hơn nữa, nếu không phải đất của mình tại sao ông Dũng lại kê khai tài sản trên lô đất này theo tên mình cho việc giải tỏa sắp tới?...”.
Ông Nguyễn Huy Cận, chánh án Tòa án nhân dân huyện Krông Búk, cho biết ông Nguyễn Dũng có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Krông Búk rằng lô đất 7 sào này chưa có “sổ đỏ”, tức nguồn gốc đất chưa hợp pháp nên việc giải quyết tranh chấp giữa ông và ông Lam thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Krông Búk. Quan điểm của ông Cận là tòa án thụ lý vụ kiện không sai vì dù là thỏa thuận miệng cũng là một dạng hợp đồng đơn giản... Tòa án đã hòa giải nhiều lần nhưng hai bên chưa đi đến thống nhất nên sẽ đưa ra xét xử. Sẽ phải triệu tập chủ lô đất ban đầu (người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) để xác định lỗi chuyển nhượng đất khi chưa có giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên sau khi bán đất, chủ đất đã rời khỏi nơi cư trú nên tòa án buộc phải thông báo việc triệu tập trên phương tiện thông tin đại chúng trước khi xét xử...
Ông Nguyễn Huy Cận cũng có lời khuyên: “Trong thực tế có nhiều vụ “bút sa gà chết” chỉ vì đứng tên, ký giùm, ký thay mà các đương sự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Có nhiều trường hợp đương sự đi vay tiền vào buổi chiều tối, sau khi viết giấy vay tiền xong thì chủ nợ lấy lý do trời tối, kiêng kỵ hẹn hôm sau rồi không giao tiền. Bản thân tôi khi ngồi xét xử có linh cảm người bị kiện không nhận tiền nhưng tòa phải xét xử dựa trên những chứng cứ nên vẫn phải tuyên buộc bị đơn trả nợ...”.
Nên có giấy tờ rõ ràng khi giao dịch Theo điều 136 Luật đất đai thì ủy ban nhân dân giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật đất đai. Theo đó, cơ quan hành chính chỉ giải quyết xem ai được quyền sử dụng mảnh đất tranh chấp. Tuy nhiên, ở đây Tòa án nhân dân huyện Krông Búk đã thụ lý giải quyết “giao dịch dân sự” mà đối tượng là quyền sử dụng đất chứ không phải là thụ lý giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất. Do vậy, đây là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án là đúng với quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Trong vụ án này, theo tôi, nếu ông Lam không chứng minh được giữa ông và ông Dũng có thỏa thuận “mua bán” đất thì không có cơ sở để tòa án buộc ông Dũng phải trả tiền cho ông Lam. Nếu tòa án xác định được giữa ông Lam và ông Dũng có hùn tiền mua chung đất và ông Dũng chứng minh được mình nhận tiền ông Lam chỉ là “đại diện” để trả tiền mua đất thì việc kiện đòi lại tiền của ông Lam cũng không được tòa án chấp nhận vì ông Dũng chỉ là đại diện (được ủy quyền) của ông Lam để giao tiền cho chủ đất. Trường hợp ông Lam kiện yêu cầu tòa án, tuyên giao dịch mua chung đất giữa một bên là ông Dũng (với tư cách là đại diện cho những người bên mua) với chủ đất là vô hiệu thì tòa án có thể xem xét tuyên vô hiệu giao dịch mua chung đất này (do đất chưa có giấy tờ hợp lệ). Lúc đó, ông Lam sẽ được nhận lại tiền mua đất - không phải từ ông Dũng mà là từ chủ đất. Từ vụ việc trên cho thấy khi thực hiện giao dịch dân sự các bên nên có giấy tờ chứng minh rõ ràng và phản ánh giao dịch trung thực, phòng khi có tranh chấp sẽ thuận tiện cho việc khiếu kiện của mình. Luật sư Huỳnh Văn Nông |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận