● Tôi có cái mũi sụt sịt thâm niên. Ban đầu bảo là viêm/lệch vách ngăn, sau đó đổi thành viêm/vẹo vách ngăn. Lệch sang vẹo, bệnh sang giai đoạn cuối?
H.THÀNH (Tiền Giang)
- Vách ngăn chia khoang mũi làm 2, phải ăn đồng chia đủ, nếu vẹo về bên nào thì phiền cho bên đó vì gây tắc hẹp (nghẹt mũi, viêm mũi, nói giọng mũi...). Phần lớn vách ngăn lệch đơn giản hình chữ C, nhưng có khi “õng ẹo” cỡ chữ S. Vẹo lắm điều hơn lệch, xử trí cũng cực hơn.
● Cục vàng của tôi thường bị chảy máu cam vì ngoáy mũi. Vỡ ra do phì đại cuống mũi. Nghe phì đại là hơi run...
T.QUYÊN (TP.HCM)
- Phì đại cuống mũi/ vẹo vách ngăn/ polyp mũi, là phe cánh gây nghẽn tắc, dẫn đến nhiều bệnh tình của mũi, trong đó có máu cam. Cuống mũi và vách ngăn mũi thuộc cơ cấu trời sinh, trong khi polyp là khối tăng sinh mới. Phì đại cuống mũi, gọi là sưng cuống mũi cho đỡ sợ, thật ra lành tính hơn cả polyp, không phải lo.
● Khám bệnh, được chẩn đoán viêm mũi không dị ứng. Tôi thắc mắc thì bác sĩ bảo “viêm mũi không dị ứng là viêm mũi không do dị ứng”. Có huề tiền không ạ?
M.BẢO (Bình Dương)
- Viêm mũi dị ứng chiếm tỉ trọng cao trong viêm mũi, nên mới có kiểu cân phân “viêm mũi dị ứng và phần còn lại”. Phần còn lại này không ít ỏi gì, gồm viêm mũi cấp (virus, vi khuẩn), viêm mũi mãn (u hạt, nấm, lao, giang mai...), viêm mũi vận mạch, viêm mũi teo... Tùm lum không dễ chốt, nên thôi thì bệnh nào thuốc ấy là được, tên tuổi tính sao bạn ạ.
● Tôi bị trĩ mũi, khổ sở trăm bề. Nghe nói có thể phẫu thuật dứt hẳn?
N.HẠNH (An Giang)
- Viêm mũi teo, dân gian gọi là trĩ mũi, dù không dính gì búi trĩ phía hạ lưu. Trĩ mũi thực chất là viêm mũi mãn tính, dẫn đến teo xơ niêm mạc, khiến khoang mũi rộng ra, xuất vảy và bốc mùi. Bởi vậy còn có nick là bệnh thối mũi. Điều trị trĩ mũi xoay quanh nhiễm trùng, vảy mũi và chống khắm. Phẫu thuật nhằm thu hẹp khoang mũi, cấp ẩm lại cho mũi, giảm vảy mũi, giảm mùi. Không chắc tiệt căn.
● Tôi bị hôi miệng trầm kha. Sau chốt do bệnh thối mũi. Nghe người khác “tường thuật” là mùi kinh khủng, nhưng lạ là tôi không nghe thấy gì...
K.Thành (TP.HCM)
- Niêm mạc mũi trong trĩ mũi (tuổi tác, di truyền, rối loạn hormone, suy giảm miễn dịch, thiếu vitamin A, B2, D, E...), gần như bất khả dụng, nên người bệnh “điếc không sợ súng”, gần như không ngửi thấy mùi khắm của mình. Đa số người trĩ mũi chỉ phát giác bệnh tình qua “biểu cảm” của người đối diện.
● Tôi bị viêm mũi dị ứng lâu năm, giờ chuyển sang viêm mũi do thuốc. Bị rầy hoài nhưng vô phương cai, đành sống nốt với mấy chai thuốc nhỏ mũi...
H.THẢO (Tiền Giang)
- Ngoài mũi dãi, thứ bức bối không kể xiết là nghẹt mũi, bởi thế mà 10 hết 6, 7 người viêm mũi dị ứng đều nghiện kèm thuốc thông mũi (naphazoline, oxymetazoline, pseudoephedrine...) theo lệ chỉ dùng 3 - 4 ngày. Đổi lại sự dễ chịu, lạm dụng thuốc “nở mũi” khiến viêm mũi thành bất trị, mở đường polyp, teo mũi, thối mũi... Bởi vậy, viêm mũi do thuốc nhỏ mũi, được ví là đứa con rơi của viêm mũi dị ứng. Nhiều người chọn cả đời với chai thuốc nhỏ mũi trong túi, can mấy cũng khó từ bỏ.
● Tôi hễ rượu vào là bị nghẹt đặc cả 2 mũi, rất khó chịu. Nghe nói, đó là dấu hiệu tiềm năng cao huyết áp...
M.VINH (TP.HCM)
- Viêm mũi vận mạch khá phổ biến, liên quan thần kinh đối giao cảm gây giãn mạch. Các yếu tố kích động đối giao cảm gồm: khói, bụi, mùi hăng, cảm xúc, vận động, thức ăn cay, bia bọt và cả tình dục... Dân gốc Á sở hữu gene chuyển ethanol thành acetaldehyde nhanh hơn bạn bè quốc tế, nên có riêng kiểu viêm mũi vận mạch do rượu. Như thuyết uống rượu đỏ mặt dễ cao huyết áp, viêm mũi vận mạch cũng vậy, không liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận