Phóng to |
Đập thủy điện Đakrông 3 vỡ toang - Ảnh: Tuấn Anh |
Một tuần trôi qua kể từ ngày đập thủy điện Đakrông 3 (thuộc địa phận bản Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) xảy ra sự cố vỡ đập, người dân nơi đây vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Sáng 13-10, UBND tỉnh Quảng Trị đã lập đoàn kiểm tra gồm đại diện các sở ban ngành trong tỉnh đến trực tiếp đập thủy điện Đakrông 3 để xem xét và đánh giá sự việc.
Ngổn ngang
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ tối 13-10, ông Hoàng Tiến Dũng - trưởng phòng điện năng Sở Công thương Quảng Trị - cho biết sau khi khảo sát điểm vỡ ở đập chắn công trình thủy điện Đakrông 3, hiện trường cho thấy đập này có vị trí đập tràn ở giữa, hai bên trái phải của đập là đập dâng. Phần thân đập bị vỡ ở phần vỏ bêtông vai trái đập dâng, khoảng vỡ rộng khoảng 20m. Theo thiết kế, vỏ bêtông này nằm ở hai bờ đập, đổ bêtông mác 250, phần lõi ở giữa thân đập đổ bêtông mác 150. Tuy nhiên đơn vị thi công chỉ mới đổ xong bêtông phần vỏ phía thượng lưu, phần hạ lưu chưa thi công thì lũ dâng về, cuốn trôi phần bêtông đã đổ. |
Một tuần sau sự cố vỡ đập, mọi hoạt động ở đập thủy điện Đakrông 3 gần như đã ngừng hẳn. Vài chục công nhân vận hành kẻ đứng người ngồi trong khi phía cổng ra vào thủy điện luôn có bảo vệ luân phiên nhau đứng gác bên tấm biển “không phận sự miễn vào”. Nhìn từ xa, cả một con đập bêtông dài hơn trăm mét trơ trọi bắc ngang con sông. Vai trái của đập dâng bị vỡ toang một đoạn dài hơn 20m, cao 6m.
Một tuần trôi qua và mấy ngày gần đây thời tiết khô ráo nhưng nước từ phía trên thân đập vẫn đổ ào ào xuống hạ lưu tung bọt trắng xóa. Phía dưới chân đập chỗ gần điểm vỡ, những mảng bêtông dày cỡ 2m, rộng hơn 5m lởm chởm sắt thép nằm ngổn ngang giữa suối. Có mảng bêtông bị nước cuốn xa đến vài chục mét. Cách thân đập chừng trăm mét về phía hạ lưu, khoảng chục người chia thành nhóm rải ra các mép suối cặm cụi đào đãi vàng. Một số người đi mót sắt vụn từ đập thủy điện vỡ trôi xuống. Nước phía dưới vẫn cuồn cuộn nên vài người phải níu chặt lấy nhau khi muốn vượt qua suối.
Chị Hồ Thị Mên, ở bản Pa Hy, nhớ lại vào sáng sớm 7-10, lúc chị cùng hai con nhỏ chuẩn bị xuống suối để đãi vàng thì ầm một tiếng, sau đó là nước ào ạt đổ về kéo theo những mảng bêtông và cuốn phăng mọi thứ. “Trong phút chốc, nước suối cuồn cuộn dâng lên đến gần mép vườn nhà tui. Mấy đứa nhỏ đang định xuống suối thì giật bắn mình chạy ngược lên lại, may còn kịp thoát thân”.
Ông Hồ Văn Hiên ở cùng thôn kể tối trước khi vỡ đập trời mưa rất to. Nhưng ông không bao giờ nghĩ đập vỡ được. Nào ngờ đập vỡ thật. “Nhìn con nước tui cứ nghĩ nó trào lên cuốn phăng cả bản đi luôn rồi” - ông nói.
Ông Hồ Nha, phó chủ tịch UBND xã Đakrông cách đó khoảng chục cây số về phía hạ nguồn, cũng hốt hoảng: “Nghe bà con báo vỡ đập là tôi cùng anh em trong xã chạy xuống suối xem liền. Mà nhanh lắm, dù cách xa mấy cây số nhưng chỉ khoảng vài phút là nước ở hạ nguồn dâng lên cả mấy mét. Một số khoai mì của bà con ở hai bên suối không thu hoạch kịp cũng bị nước cuốn mất”.
Vội vàng tích nước
Đập thủy điện Đakrông 3 được khởi công từ tháng 11-2010 với tổng số vốn đầu tư hơn 210 tỉ đồng do Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn (có trụ sở tại Quảng Bình) làm chủ đầu tư, Công ty Tân Hoàn Cầu là đơn vị thi công và Công ty cổ phần tư vấn xây dựng điện Thái Bình Dương là đơn vị thiết kế. Theo dự kiến, đến tháng 8-2012 sẽ bàn giao và đi vào hoạt động. Khi hoạt động, hai tổ máy của đập này sẽ có công suất là 8 MW.
Ông Nguyễn Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Trường Sơn, cho biết đập thủy điện này đã chính thức tích nước và chạy thử từ ngày 25-9. Tuy nhiên, trong thời điểm đó vẫn còn một hạng mục là đập dâng vai trái của thân đập vẫn chưa hoàn thành. Kết cấu tường bọc bảo vệ lõi bằng bêtông dày 2m ở đập dâng vai trái mới chỉ là ngăn tạm chứ chưa đặt được lõi bêtông chịu lực phía trong thân.
“Phía công ty đã cho tích nước từ trước thời điểm đó để đủ nước cho hai tổ máy chạy thử. Dự định sau khi thử xong sẽ tháo nước ra để hoàn thành việc lắp lõi chịu lực của đập dâng vai trái. Nhưng thử xong chưa kịp tháo nước thì mưa lớn kéo theo áp lực nước quá lớn về đã cuốn phăng phần cửa bêtông tạm này” - ông Hải thanh minh.
Trả lời câu hỏi vì sao chưa xây dựng hoàn thành đã cho tích nước chạy thử, ông Hải nói: “Là bởi đã quá hạn thi công hơn một tháng. Mà nếu không tích nước để chạy thử bây giờ thì phải chờ đến ba tháng sau hết mùa mưa mới được tích nước chạy thử. Nên chúng tôi quyết định cho tích nước”.
Ông Hải cho hay thời điểm vỡ đập, hai tổ máy của đập vẫn đang chạy với công suất 50% và do “mưa lớn liên tục suốt hai giờ, nước về nhanh quá nên không xả van kịp”.
Để khắc phục sự cố này, theo ông Hải, cần trên 20 ngày nhưng hiện đang vào mùa mưa nên ít nhất phải đến tháng 11 phía công ty mới triển khai khắc phục được. Theo ước tính ban đầu, tổng thiệt hại của sự cố vỡ đập này trên 20 tỉ đồng.
Kiểm tra toàn diện 53 hồ đập thủy lợi, thủy điện * Miền Trung: khoảng 40 nhà máy thủy điện dưới 30MW Ngày 13-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành về kết quả kiểm tra đánh giá các hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Theo đó, Quảng Nam hiện có 50 hồ thủy lợi, ba hồ thủy điện nằm trên địa bàn 11 huyện. Hiện các hồ thủy lợi đang cạn nước, các hồ thủy điện đang tích nước. Do đa số các hồ thủy lợi đều xây dựng trước năm 1990, thi công chủ yếu bằng thủ công, qua thời gian không được duy tu bảo dưỡng nên hầu hết các công trình đang xuống cấp, cụ thể như đập bị sụt lún, xói lở; lòng hồ bị bồi lấp; cầu công tác bị hư hỏng; cống áp lực, tràn xả lũ, cửa cống và thiết bị đóng mở bị rò rỉ, bong tróc hư hỏng... Tỉnh Quảng Nam đề nghị trung ương xem xét, hỗ trợ một nguồn kinh phí nhất định để triển khai đầu tư sửa chữa các hồ đập xung yếu nhằm đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão. Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Nam đã chính thức phê duyệt phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập thủy điện Sông Tranh 2 (năm 2012) do Công ty thủy điện Sông Tranh 2 lập, Sở NN&PTNT tỉnh thẩm định. * Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung, tính đến thời điểm này toàn miền Trung có không dưới 40 nhà máy thủy điện loại công suất dưới 30MW đã được các chủ đầu tư đưa vào khai thác, phát điện, trong đó chỉ có bốn nhà máy do Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý là Ry Ninh (Gia Lai), ĐrayH’linh (Đắk Lắk), Kon Đào (Kon Tum) và An Điềm (Quảng Nam), số còn lại hầu hết là của các nhà đầu tư ngoài ngành điện. Cũng theo đơn vị này, số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ này tập trung chủ yếu tại các địa phương có độ dốc lớn như Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum và Đắk LắK... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận