Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ nhân duyên đưa ông đến với trà:
- Tôi đến với trà cũng giản dị như bao người Việt đều thích uống trà mỗi ngày. Khát là uống, nhưng thứ nước tôi uống nhiều nhất có lẽ là trà, tôi uống trà từ khá sớm vì khi xưa cụ ngoại tôi có quán bán nước chè tại phố Nguyễn Du (Hà Nội) từ năm 1940.
Đến năm 1987, cụ ngoại tôi mất và không có ai làm tiếp công việc này. Nhưng hình ảnh quán chè chén của cụ ngoại vẫn còn trong trí nhớ của tôi.
Khi lớn lên, đi học đại học xa Hà Nội lại ở gần vùng đất Đại Từ (Thái Nguyên) nên cũng uống trà và biết thêm trà của nhiều vùng phía Bắc. Sau khi vào Nam, tôi được làm quen với văn hóa trà đá Sài Gòn khác hẳn với chè chén của phương Bắc.
Và may mắn hơn nữa, được đi nhiều nơi đến nhiều vùng chè trong nước, tôi mới thấy vẻ đẹp và sự phong phú của trà Việt trải dài từ Bắc vào Nam - mỗi vùng là một câu chuyện mang đậm văn hóa bản địa để chúng ta có quyền tự hào: Việt Nam là cái nôi sinh ra cây chè.
Chính vì vậy đã thúc đẩy tôi đi tìm kiếm lại kho tàng quý giá về trà Việt, mong cùng mọi người tham gia làm hồi sinh những giống trà quý, những danh trà đặc sản.
Thưởng trà không chỉ người già
* Hẳn ông đã phải học, trải nghiệm rất nhiều để đến bây giờ được đánh giá là nghệ nhân có nhiều am hiểu sâu sắc về trà?
- Trà là một thứ thức uống, uống đơn thuần chỉ để giải khát là một cách và uống để thưởng thức là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt.
Tôi may mắn được gặp gỡ những người nông dân cả đời sống với cây chè, những người làm trà chân chính và những người thầy cả đời gắn bó với ngành chè như TS Nguyễn Duy Thịnh, kỹ sư Vũ Hữu Hào... nên đã có những trải nghiệm rất quý giá.
Uống để thưởng thức những gì trà mang lại cho bạn một cảm giác rất thư thái an nhiên qua hương trà, màu sắc của chén trà và vị trà nó làm tăng thêm khả năng khám phá bản thân của chính bạn.
Cầm chén trà trên tay, bạn sẽ thấy những cây chè đang ở độ sung mãn được thu hoạch và qua những bàn tay "vàng" biến hóa lá chè dưới lửa để tạo những cánh trà tuyệt mỹ đánh thức đủ sáu giác quan: tai, tay, mắt, mũi, miệng và ý.
Tôi không dám nhận mình am hiểu sâu sắc về trà, bởi trà Việt là văn hóa, rộng vô cùng mà tất cả chúng ta vẫn còn phải tìm hiểu và chiêm nghiệm nhiều văn hóa ngàn đời của tổ tiên.
* Theo ông, với người Việt trà có phải là nét văn hóa đặc trưng?
- Đúng vậy. Mỗi vùng chè của Việt Nam đều phản ánh văn hóa đặc sắc riêng. Mỗi vùng chè với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu cho những cây chè có hương vị khác biệt và phong tục uống trà từ đó cũng mang nét đặc trưng.
Như cách uống chè tươi - lấy lá chè bánh tẻ hãm trực tiếp trong nước sôi. Nó là văn hóa uống trà đặc trưng của Việt Nam có từ ngàn xưa và đến nay vẫn phổ biến không chỉ ở nông thôn mà ngay phố thị phồn hoa chúng ta vẫn dùng, nó hoàn toàn khác biệt với các nước trên thế giới.
Không những thế, cách uống chè tươi ở mỗi vùng miền lại có chuyển biến cho phù hợp với phong tục từng địa phương. Như cách uống chè tươi của Đồng bằng sông Hồng thường chọn lá bánh tẻ để hãm, mùa đông thì thêm chút gừng. Người Huế lại chặt cả cành đem phơi rồi bỏ vào nồi nấu.
Trong phương Nam thì ưa uống trà có hương thơm, thích dùng trà oolong, còn phương Bắc ưa uống trà đậm vị hơn. Cũng là trà ướp hoa sen nhưng người Hà thành cầu kỳ và công phu hơn khi làm trà sen cổ truyền.
* Vậy cần phải phát triển văn hóa trà Việt ra sao trong việc gìn giữ văn hóa Việt hiện nay?
- Uống trà, trong tư duy của nhiều người, là dành cho người già. Tôi không nghĩ như vậy. Hiện nay tôi tiếp xúc rất nhiều bạn trẻ yêu mến và tìm đến trà. Họ đến một cách tự nhiên để khám phá, trải nghiệm. Đó là tín hiệu rất tốt.
Nhưng nếu cứ giữ lối cũ như trà ngon phải đậm, phải đặc cắm tăm hay cách pha trà ngâm... thì khó lòng thu hút lớp trẻ hiện đại ngày nay. Chúng ta cần thay đổi cho phù hợp đời sống hiện đại để ngày càng nhiều người đến với trà hơn.
Trong thế giới phẳng ngày nay, việc giao thoa trà Việt và trà quốc tế là điều hiển nhiên, trà Việt cũng cần thay đổi để tiếp cận nhu cầu từ bên ngoài và tìm ra lợi thế riêng về những vùng trà cổ thụ bậc nhất thế giới của Việt Nam.
Hiện cả nước có 34 vùng trồng chè và chế biến trà nhưng chúng ta chưa có nhiều hoạt động để giới thiệu các vùng, cần lắm các lễ hội chuyên biệt cho trà Việt với những hoạt động mang đúng phong vị bản địa để chúng ta tự hào về nó.
Hãy làm cho trà Việt đẹp hơn, chúng ta - những người trồng chè, sản xuất trà và những nhà buôn - phải thay đổi, cùng làm những điều tử tế góp phần xây dựng và phát triển ngành trà Việt. Từ đó nâng giá trị của trà Việt, cùng nhau gìn giữ và phát triển văn hóa trà Việt có từ ngàn năm.
Ngoại giao trà Việt
* Theo ông, trà Việt hiện đang có vị trí như thế nào trên bản đồ về trà của thế giới?
- Tôi thấy những năm gần đây trà Việt Nam được thế giới quan tâm nhiều hơn. Trước đây nhiều người biết đến trà đen của Việt Nam xuất khẩu chính vào thị trường Đông Âu. Nay trà xanh và trà oolong của Việt Nam cũng được đánh giá cao trên thị trường thế giới.
Trong 5 năm gần đây, sản lượng trà xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng thứ 5 trên thế giới. Giá trà Việt Nam cũng được nâng lên, không còn chỉ bán trà bán thành phẩm.
Bên cạnh đó, các trà đặc sản có phẩm chất cao và chế biến độc đáo mang đặc trưng có giá trị cao chưa được quảng bá giới thiệu rộng rãi ra thế giới.
* Trong chén trà đầu xuân, ông có trăn trở hay gửi gắm gì đối với văn hóa Việt cũng như câu chuyện ngoại giao thông qua quà tặng đặc trưng của người Việt, trong đó có trà Việt?
- Nói như Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục: lệ kính biếu của người Việt vốn đã quen nhưng phải chọn cách nào cho thanh lịch cốt để tỏ lòng kính trọng của người dâng tặng.
Quà tặng của người Việt giản dị nhưng cốt phải tinh. Phong tục tặng quà thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử cũng như quan niệm trong phép đối nhân xử thế của người Việt Nam. Người Việt coi trọng mối quan hệ xã hội nên quà tặng được xem như sợi dây gắn kết con người lại với nhau, giúp thể hiện tâm tư, tình cảm và sự trân trọng.
Chỉ qua một món quà nhỏ mà ta có thể thấy ở trong đó một kho tàng những giá trị văn hóa sâu sắc và rất nhân văn của người Việt Nam. Chính vì vậy, câu chuyện ngoại giao thông qua quà tặng có ý nghĩa to lớn.
Trong mấy năm vừa qua, sản phẩm OCOP của các địa phương đã thành công nó là món quà hết sức ý nghĩa để chia sẻ thế mạnh tiềm năng của từng vùng góp phần phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa bản địa.
Việt Nam là cái nôi của cây chè, chúng ta tự hào về những rừng chè cổ thụ bậc nhất thế giới, cả nước có 34 vùng trồng chè và chế biến trà, xuất khẩu trà đứng thứ 5 thế giới.
Nhưng hiện vẫn chưa sàng lọc, tuyển chọn được các danh trà quý, hiếm, xứng tầm về chất lượng và có hàm lượng văn hóa cao để liệt vào hạng danh trà cấp quốc gia.
Tôi vẫn tiếp tục trên con đường học hỏi và mong chia sẻ được với nhiều người, thực hiện sứ mệnh của người nghệ nhân trong việc đào tạo và trao truyền.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn sinh năm 1968, tại Hà Nội. Ông sáng lập thương hiệu trà Song Hỷ, đây là thương hiệu giúp ông đưa trà Việt lan tỏa trong nước và bạn bè quốc tế.
Ông cũng là tác giả các sách viết về trà: 54 giai thoại - Trà thượng ty, Phác thảo danh trà Việt Nam, Thưởng trà thật đẹp thật vui (đã phát hành), Tìm trà (sắp ra mắt).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận