Thầy cô giáo Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy hợp sức cùng chính quyền, quân đội, người dân địa phương dựng cầu nối hai thôn A Banh đưa học sinh trở lại lớp - Ảnh: P.L.
Trưa 15-10, sau nhiều ngày cấp tốc chặt tre, đan dây..., cây cầu tạm dài gần 100m nối qua suối A Banh nằm giữa thôn A Banh 1 với A Banh 2, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã "hợp long", thông tuyến sau nhiều ngày chia cắt.
Điều xúc động, cây cầu là công sức và là tấm lòng của các thầy cô Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy cùng lực lượng dân quân địa phương, đoàn viên, dân làng Cơ Tu ở nơi cơn lũ quét vừa đi qua.
1 tháng phải thay 3 lần cầu
Cây cầu gỗ qua suối A Banh mới được khánh thành là cầu thứ 3 trên cùng một vị trí chỉ sau chưa đầy một tháng mưa lũ ở huyện miền núi giáp biên giới của tỉnh Quảng Nam. Trước đó, thôn A Banh 1 và 2 đã được bắc một cây cầu sắt kiên cố bằng dây văng, hằng ngày nông sản, xe máy của bà con và đường đến trường của học sinh diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên mọi thứ đã tan nát vào những ngày sau cơn bão số 5.
Ông A Mư - trưởng thôn A Banh - cho biết sống dưới chân núi nhưng chưa bao giờ người dân chứng kiến đợt lũ nào tàn phá khủng khiếp như vậy.
"Tiếc cây cầu lắm. Người lớn thì không sao nhưng khi cầu mất thì thương tụi nhỏ và các thầy cô giáo không qua lại được" - ông Mư nói. Khi bão số 5 đi qua, công việc đầu tiên người Cơ Tu ở A Banh làm là nối cầu. Một cây cầu tre, gỗ được đóng tạm xuống ngay chính mố cầu cũ để việc học của học sinh không đứt đoạn. Nhưng một lần nữa cầu A Banh lại bị lũ đẩy trôi.
Thầy Nguyễn Đông Vũ - hiệu trưởng Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy - cho biết trường hiện có gần 150 em học sinh là con em đồng bào Cơ Tu, trong đó A Banh 1 và 2 là hai thôn chính. Khi cầu bị cuốn trôi, rất nhiều người dân, trưởng thôn, già làng đã rất lo lắng cho con em họ và thầy cô giáo.
Không thể để việc học gián đoạn bởi cây cầu huyết mạch nối đôi bờ, ngay khi nước lũ vừa ngớt, UBND xã Tr’Hy đã xuống vận động bà con hai thôn, huy động bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự huyện để làm cầu. Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy cũng huy động cán bộ giáo viên ra góp công.
Thầy cô giáo Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy hợp sức cùng chính quyền, quân đội, người dân địa phương dựng cầu nối hai thôn A Banh đưa học sinh trở lại lớp - Ảnh: P.L.
"Cắm bản" để bám chữ
Cây cầu của thôn A Banh được khánh thành trưa 15-10 chỉ là cầu tre tạm, người miền Tây gọi là "cầu khỉ", dài chưa tới 100m. Vật liệu chỉ là tre trên rừng được bà con lấy xuống, dây cước lớn làm dây nối giữa đáy cầu với phần kết cấu chịu lực.
Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đông Vũ nói: "Hi vọng cây cầu này trụ được lâu để bà con đi lại, học sinh của tôi cũng không dở dang việc học".
Thầy Vũ cho biết bên kia cầu nằm ở thôn A Banh 2 có một điểm trường ghép lớp 1 và lớp 2 với tổng cộng 8 học sinh. Khi cầu đứt, học sinh ở đó không thể ra bên ngoài. Ngoài điểm trường này, thôn A Banh 1, 2 cũng có 25 em học sinh Cơ Tu từ lớp 3 đến lớp 5 học bán trú ở điểm trường chính tại trung tâm xã.
Vì cầu đứt, nhiều tuần nay các em phải ở lại lớp, các thầy cô giáo cử người lo cơm nước, trông coi để các em không bỏ trường đi về, tránh nguy hiểm.
Bà Lê Kim Vân - trưởng Phòng GD-ĐT Tây Giang - cho biết các giáo viên được yêu cầu ăn ở tại chỗ, bám điểm trường để học sinh không phải nghỉ học. "Chúng tôi cho học sinh đi học trở lại bình thường từ ngày 12-10" - bà Vân nói.
Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc bán trú tiểu học xã Tr’Hy cũng nói rằng đã yêu cầu giáo viên "cắm bản" ở 4 điểm trường ở lại tại chỗ, quán xuyến học sinh và tổ chức dạy học, không để học sinh chậm chương trình.
Thầy cô nhiều tuần không về nhà
Tới trưa 15-10, mưa lũ ở Tây Giang đã ngưng, trời tạnh ráo nhưng vẫn còn rất nhiều điểm dân cư bị chia cắt. Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết đường lên các xã biên giới vẫn chưa thể thông, điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm thầy cô giáo cắm ở các trường nhiều tuần nay không thể về nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận