Như Tuổi Trẻ Online thông tin, một doanh nghiệp vừa đề xuất Thủ tướng cho làm cầu cạn cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long, với suất đầu tư khoảng 12 triệu đồng/m² đường cao tốc.
Flycam cầu cạn trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, bắc qua khu vực có túi bùn sâu 30m - Video: MẬU TRƯỜNG
Đề xuất này nhận được nhiều ủng hộ của bạn đọc và chuyên gia khi cho rằng cần làm ngay cầu cạn trên các tuyến cao tốc ở miền Tây.
Trên thực tế giải pháp này đã được thí điểm trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương với 14km cầu cạn được xây dựng tại những vùng đất yếu.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương là tuyến cao tốc đầu tiên của Việt Nam có 14km cầu cạn, trong tổng số chiều dài 41km.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương chạy qua 3 tỉnh, thành gồm TP.HCM, Long An và Tiền Giang được khởi công vào năm 2004 và chính thức thông xe vào tháng 8-2009 với tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỉ đồng.
Tuyến cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây này bắt đầu từ nút giao Chợ Đệm (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP. HCM) và kết thúc tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 3km, qua Long An dài 34km và qua Tiền Giang dài 4km. Tuyến đường giúp giảm thời gian đi từ TP.HCM đến Tiền Giang từ 90 phút xuống còn chỉ còn 30 phút.
Điểm đặc biệt, tại thời điểm khởi công tuyến đường này nhiều giải pháp và kỹ thuật mới đã được đưa vào áp dụng.
Một trong những giải pháp đáng chú ý thời điểm đó là sử dụng cọc cát để xử lý lún cho toàn bộ đoạn đường đi trên mặt đất, phương pháp này chưa được áp dụng ở bất kỳ công trình nào ở thời điểm đó.
Một điểm đặc biệt khác nữa trong phương pháp thi công ở công trình này tại thời điểm đó là do một số đoạn địa chất có túi bùn sâu hơn 30m nên dự án đã làm cầu cạn khoảng 14km, trở thành tuyến cao tốc có cầu cạn dài nhất vào thời điểm đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận