19/04/2023 17:02 GMT+7

Làm cao tốc, dân nhường đất nhanh nhưng tỉnh lại chậm

Bà con đã sẵn sàng nhường đất làm cao tốc nhưng chính quyền vẫn còn chậm hơn một số tỉnh khác về công bố giá bồi thường giải phóng mặt bằng.

Làm cao tốc, dân nhường đất nhanh nhưng tỉnh lại chậm - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong cho biết nhân dân đồng tình ủng hộ làm đường cao tốc nhưng chính quyền còn chậm giải phóng mặt bằng - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 19-4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang do ông Đôn Tuấn Phong, phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc với 120 cử tri của 7 phường, xã của TP Châu Đốc và huyện Tri Tôn, trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Đôn Tuấn Phong cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành liên quan đến cơ chế, chính sách. 

Đặc biệt là đề xuất về đầu tư công quan trọng như đường tránh TP Long Xuyên nối quốc lộ 91, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nối với cảng Trần Đề. Cao tốc này là một trong bốn tuyến trọng điểm của cả nước.

Trước đây, cao tốc này đưa vào dự án sau năm 2030 nhưng đơn vị đã tranh thủ, đấu tranh quyết liệt để đưa tuyến cao tốc này có thể khởi công trong năm 2023.

"Tuy nhiên, hiện nay người dân đã sẵn sàng di dời nhà cửa, thậm chí mồ mả để tạo điều kiện giải phóng mặt bằng nhưng chính quyền vẫn còn chậm công bố thông tin giá bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cao tốc này sớm thi công sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn", ông Phong nói.

Làm cao tốc, dân nhường đất nhanh nhưng tỉnh lại chậm - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Chiến, xã Vĩnh Châu, TP Châu Đốc, An Giang, đề nghị xử lý nạn xe quá tải và ô nhiễm môi trường ven tuyến đường Lê Hồng Phong - Ảnh: BỬU ĐẤU

Tại TP Châu Đốc, cử tri xã Vĩnh Châu đề nghị chính quyền quan tâm nhiều hơn đến tình trạng xe quá tải trọng chạy trong đêm trên tuyến đường Lê Hồng Phong, xã Vĩnh Châu và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn.

Đặc biệt, khu vực kênh 4 chạy dọc theo đường Lê Hồng Phong đang ô nhiễm nghiêm trọng do "tắc" nghẽn không lối thoát nhiều năm. Thêm vào đó là điểm giết mổ gia súc tập trung đã xả thải nước vào kênh này cũng gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, gây bức xúc dư luận.

"Bây giờ xã Vĩnh Châu chuẩn bị lên xã nông thôn mới nâng cao mà kênh cặp đường Lê Hồng Phong đang ô nhiễm nghiêm trọng, gây hôi thối rất nhiều. Hằng đêm xe quá tải chạy ầm ầm mà chúng tôi đề nghị nhiều lần về ô nhiễm của kênh và xe quá tải chạy như vậy nhưng chưa thấy ai xử lý giúp bà con", anh Nguyễn Văn Chiến, xã Vĩnh Châu, bức xúc nói.

Đường kênh 10B đã xuống cấp trầm trọng nhưng khu vực này không có nguồn nước sạch sử dụng, gây khó cho nhân dân. Người dân muốn có nước sạch sử dụng phải đi rất xa từ 4-6km mới có nước sử dụng. 

"Gia đình tôi và bà con sống gần kênh 4 nhưng nhiều khốn khổ vì nước. Nguồn nước cặp nhà đã ô nhiễm, hôi thối nghiêm trọng nhưng lại không có nước sạch sử dụng thì lục bình tràn ngập khắp kênh. Do đó, bà con đề nghị chính quyền giúp dân có nguồn nước để sinh sống", bà Trần Thị Kim Nhĩ, ngụ xã Vĩnh Châu, đề nghị.

Nhiều địa phương lo thiếu cát làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc TrăngNhiều địa phương lo thiếu cát làm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

TTO - Ngoài xây dựng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các địa phương ở miền Tây còn triển khai nhiều tuyến đường giao thông khác nên lo ngại thiếu cát xây cao tốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên