Nhiều bạn đọc nam gởi thư cho tôi khổ sở cho biết mỗi khi ngồi cạnh nàng định “phun châu nhả ngọc” những lời đã chuẩn bị trước nhưng đầu lại ám ảnh rằng hơi thở của mình “không được thơm”, không khéo lại mất điểm. Có người cẩn thận mang theo kẹo bạc hà để “rèn luyện cơ nhai”, nhưng khi “thơm” em một cái thì mùi "hương" không dễ ngửi trộn lẫn với mentol khiến nàng…ngộp thở.
Có người thầm trách tạo hóa không công bằng, có người tìm mọi cách như súc miệng, đánh răng liên tục , ngậm nước muối triền miên… nhưng cái “mùi phàn nàn” ấy vẫn tỏa ra, vương vấn…
"Hương" từ đâu ra ?
Đi tìm ra “sơ yếu lý lịch” của kẻ gây ra hơi thở không được thơm không hề đơn giản. Bạn nào sáng dậy chả thấy miệng mình tỏa ra mùi hôi. Đó là do khi ngủ các tuyến tiết nước miếng cũng “nghỉ phép ngắn hạn” nên miệng chúng ta khô. Nước miếng có thể ví như một lọai chất tẩy rửa thiên tạo có tác dụng bảo vệ vòm miệng, canh me đám vi khuẩn léng phéng tính làm bậy nơi đây. Thiếu nước miếng, miệng như một sàn nhảy không bị “giới nghiêm” nên hàng triệu vi khuẩn tha hồ “tò tí”, chúng xúm vào những kẽ răng còn dính thức ăn mà đánh chén rồi thải ra chất hóa học như sulfur, methylmercaptan.. làm gây mùi. Vì thế việc đầu tiên thức dậy là chúng ta phải đánh răng, súc miệng là vậy.
Mùi của hơi thở luôn thay đổi theo năm tháng. Chúng ta "thơm" một em bé, cảm nhận thấy hơi thở có mùi sữa, khi đứa trẻ dậy thì hơi thở đã kém thơm tho, càng già những tuyến tiết nước miếng cũng “lên lão”, làm ăn lúc nhớ lúc quên nên miệng của người già cũng có mùi đặc trưng mang dấu ấn tuổi tác.
Ông nào hút thuốc lá vào loại có thâm niên hàng chục năm ngòai hàm răng được phủ một lớp sương khói vàng khè của thuốc, hơi thở cũng “bốc mùi” bởi nicotin làm giảm tiết nước miếng cộng với 142 vị “anh hùng” trong khói thuốc là “bạn thân” của các lọai vi khuẩn trong miệng.
Tại sao người trong cuộc và người ngoài cuộc đều “được hưởng” hương hôi ? Bởi mùi bốc lên từ giọng nói từ hơi thở của chúng ta. Nói là động tác thở ra đặc biệt có sự rung của dây thanh âm, có sự cộng hưởng của vòm miệng, xoang, mũi mà thành. Những địa chỉ nào “gió” đi qua sẽ tạo ra “hương” đặc biệt ấy.
Một số người bị viêm mũi, trẻ viêm VA khi ngủ phải há miệng mà thở, không khí đi qua cửa mở toang sẽ cuốn theo nước miếng làm sáng dậy miệng khô khốc và bốc mùi. Có người vì bị stress nặng 3 đôi tuyến nước miếng cùng vật vã với thân chủ, chả cần há miệng mà bộ khẩu cũng lâm vào tình trạng hạn hán.
Nói vậy nhưng các bạn đừng thái quá. Có bạn suốt ngày sử dụng nước súc miệng, xem đó là biện pháp giữ gìn, nhưng bạn đâu biết trong nước súc có chứa một lượng cồn nhất định. Dùng nhiều lần cồn sẽ làm nước miếng (vốn chứa các men ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh) tiết ít đi. Thấy hơi thở không được thơm bạn bèn súc miệng nhiều hơn 2 lần một ngày , ngay lúc đó cảm giác như mùi hương khó chịu biến mất nhưng ít phút sau nó sẽ tái hồi khiến bạn “chẳng hiểu sao kỹ thế mà chúng vẫn từ đâu tới”
Hôi miệng thường liên quan đến bệnh của cả bộ khẩu. Đó là nha chu, viêm amygdale, viêm mũi, viêm xoang mủ chảy từ xoang xuống mũi và từ từ nhểu từng chút xuống miệng gây mùi.
Mùi hôi cũng có thể vang vọng từ xa như áp- xe phổi khiến không khí từ trong đi ra mang theo mùi của ổ mủ, hay lao phổi hang cũng mang theo mùi của ổ bã đậu…
Những người bị hội chứng trào ngược dạ dày các chất tiêu hóa dở dang được nhào trộn, lên men lẽ ra nằm trong “nhà kho” kín cửa nay cánh cửa bị cong, bị vênh, mùi chua chua của sản phẩm tiêu hóa đi ngược chiều lên tận mũi, tận miệng và tấn công khứu giác của đối tác.
Số ít hơi thở không hôi nhưng chủ nhân nó mắc chứng hoang tưởng cứ khăng khăng rằng mình đang bị bệnh.
Một số bệnh đến giai đọan hết thuốc chữa cũng thể hiện nặng mùi nơi cửa khẩu. Suy gan hơi thở có mùi tanh như cá, suy thận thở ra mùi khai như nước tiểu, bệnh tiểu đường hơi thở có mùi chua của acetone., xơ gan thở ra mùi trứng thối…
Làm sao lấy lại hương thơm?
90% kẻ thù gây hôi miệng nằm ngay tại chỗ. Bạn cần khám ở chuyên khoa Tai Mũi Họng nếu có những dấu hiệu của viêm nhiễm amygdale, viêm xoang hay viêm mũi. Bạn có thể phải gặp bác sĩ nha khoa nếu bị viêm nha chu hoặc sâu răng. Có trường hợp răng giả không được lấy ra chùi rửa sau mỗi bữa ăn cũng gây bốc mùi. Có trường hợp "hoa hôi" bùng nở ngắn hạn khi bạn bị “lở mồm long móng” với những vết lóet trong niêm mạc miệng. Mấy ông rượu bia bộ khẩu luôn chứa mùi chua nồng, nó cũng là thứ làm hỏng tất cả những thuốc kích dục mạnh nhất thế giới, khiến bà xã rơi vào lãnh cảm. Còn hôi miệng do bệnh lý toàn thân thì phải chữa tận gốc bệnh đó.
Đông y có vô số biện pháp làm nhẹ mùi hương hôi ở miệng: Vỏ quýt 30 g rửa sạch , xắt sợi nấu nước uống hàng ngày. Hoặc chanh tươi 2 qủa vắt lấy nước hòa vào chút mật ong ngày uống 2 lần. Có người dùng lá đậu xanh 15 g + hoắc hương 10 g nấu kỹ lấy nước súc miệng. Có địa phương dùng Hạt mướp đắng ( khổ qua) nghiền bột, luyện với mật thành viên to bằng ngón tay, ngày ngậm 3 viên chia làm 3 lần. Theo Hoa Đà thì bạn có thể ngậm hạt của trái vải để giảm mùi hôi cũng được.
Mới đây các nhà khoa học Israel có giải pháp chữa hôi miệng do viêm amygdale hốc mủ bằng laser. Bác sĩ Yehuda Finkelstein tại bệnh viện Meir Hospital đã chiếu tia laser vào mô amygdale cho 53 bệnh nhân hôi miệng đang tuyệt vọng. 50% chỉ cần chiếu 01 lần, số còn lại chiếu trong 2-3 lần là lấy lại hương thơm ( theo Reuters)
Hôi miệng không gây chết người nhưng lại làm cho người ta mặc cảm, khổ sở, mất tự tin khi nói chuyện. Việc tìm ra nguyên nhân là yếu tố quyết định giải quyết tận gốc chứng bệnh này. Nước súc miệng, kem đánh răng chỉ mang tính hỗ trợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận