09/09/2011 01:34 GMT+7

Làm bé đau, dễ gây biến chứng

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Ngày 7-9, bé N.V.T. (3 tuổi, nhà ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) được mẹ đưa vào phòng khám nhi Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang vì có triệu chứng lờ đờ, ngủ gà ngủ gật. Bác sĩ khám thấy bé vừa thiu thiu ngủ bỗng giật mình chới với, trong miệng có vài nốt lở loét, đặc biệt lưng có hai hàng vết đo đỏ chạy dọc sống lưng.

Hỏi ra mới biết người thân của bé thấy bé sốt, ói, nghĩ rằng bé bị trúng gió nên dùng đồng xu cạo gió. Bé không chịu, quấy khóc dữ dội nhưng người nhà vẫn ép cạo gió. Suốt đêm sau khi cạo gió xong bé liên tục bứt rứt khóc nhè, đến sáng bé lừ đừ, giật mình nhiều. Bác sĩ cho biết bé bị bệnh tay chân miệng độ 2b có biến chứng thần kinh, đề nghị nhập viện điều trị.

Đây là một trong những trường hợp người nhà xử trí và chăm sóc bé bị bệnh tay chân miệng không đúng cách, làm cho bé dễ bị biến chứng nặng. Nguyên tắc chăm sóc bé bị bệnh tay chân miệng tại nhà là hạn chế tối đa việc làm bé bị kích thích. Khi bé bị kích thích như đau đớn, rát họng, khó chịu, khóc nhè... sẽ làm thần kinh căng thẳng (stress), lúc đó tế bào thần kinh bé đáp ứng lại bằng cách tiết ra nhiều chất hóa học trung gian, chính các hóa chất trung gian này góp phần làm tổn thương não, tim, phổi của bệnh nhân.

Để tránh bé bị kích thích, người lớn nên để bé nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh nhiều tiếng động mạnh. Không cho ăn những món quá nóng (làm bé phỏng miệng), vị chua (làm miệng bé rát), vị cay (làm miệng bé đau) vì ở miệng bé có nổi các nốt loét nên rất nhạy cảm. Khi bé khóc phải vỗ về, an ủi, không la rầy, nhất là không được cạo gió, cắt lể, rơ miệng... sẽ làm bệnh của bé dễ bị biến chứng hơn.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên