TS Lê Thị Linh Trang chia sẻ tại buổi trò chuyện về việc làm bạn cùng con sáng 15-9 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó cũng là chủ đề của buổi trò chuyện 'Làm bạn cùng con - Niềm vui nhỏ hóa thành công' diễn ra tại Đường sách TP.HCM ngày 15-9.
Giữa nhịp sống quay cuồng với nỗi lo cơm áo gạo tiền, không ít phụ huynh vẫn túc trực một câu hỏi: vì sao có những lúc không thể gần con, không thể hiểu con?
Không nói đến những khoảng cách "dịu vợi" trong quan điểm sống, mà đơn giản là chuyện cùng nghĩ về việc học, việc làm, nhiều phụ huynh vẫn thường nhận được sự bất đồng từ con trẻ.
Tuy tôn trọng sự lựa chọn của con, nhưng các bậc cha mẹ vẫn không lý giải được vì sao con không đồng thuận với mình dù mình... có lý!
Có mặt tại buổi trò chuyện sáng qua, một bà mẹ chia sẻ, chị đang muốn định hướng từ sớm cho con đang học lớp 9 năm nay sẽ thi vào trường THPT nào.
"Với sức học của con, tôi muốn con học các lớp chuyên toán hoặc tiếng Anh của Trường Trần Đại Nghĩa hay Lê Hồng Phong. Nhưng con nhất định không muốn học xa và chỉ thích theo hóa học.
Tôi không biết con có hiểu những trăn trở của bố mẹ không, vì bố mẹ chỉ muốn cho con có một cơ hội tốt sau này" - chị nói.
Tâm sự này là một trong nhiều "nỗi lòng" của các bậc làm cha làm mẹ tại buổi trò chuyện. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng có lẽ điểm chung của những trúc trắc trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái trước tiên đến từ sự khác biệt của hai thế hệ.
Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang cho rằng cha mẹ ai cũng muốn điều tốt đẹp cho con cái nhưng lại hay dùng kinh nghiệm sống của mình nhiều năm về trước để dạy con.
"Chẳng hạn phụ huynh thường hãnh diện khi nghe con nói muốn trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng có định kiến với một số nghề nghiệp hiện tại như nghề bếp hay huấn luyện viên gym... Do đó, không ít phụ huynh thường áp đặt suy nghĩ của mình lên một ước mơ chính đáng của trẻ trong thời đại mới", TS Trang cho biết.
Để hiểu con, cha mẹ cần thay đổi không ngừng theo sự lớn lên của con và sự phát triển của xã hội. TS Đào Minh Hồng - nguyên trưởng khoa quan hệ quốc tế, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - cho rằng làm cha, mẹ là một công việc khó khăn và đòi hỏi phải học tập rất nhiều.
TS Hồng chia sẻ cô có ba người con đều cách nhau 5 tuổi vì theo cô, 5 năm là khoảng thời gian đủ để bản thân thay đổi phù hợp với một thế hệ mới, giúp mình hoàn thiện hơn vai trò làm mẹ.
Và giữa hai thế hệ khác biệt, hiểu con là cả một nghệ thuật mà thử thách đầu tiên là trở thành một người bạn của con, một người bạn thực sự biết lắng nghe con và nói cho con nghe.
Nhiều phụ huynh than vãn đã cố hết sức hỏi thăm chuyện học hành của con mỗi ngày nhưng chỉ nhận được câu trả lời "bình thường" hay "cũng như mọi ngày" từ con trẻ.
Thế nhưng, liệu phụ huynh đã từng kể cho con nghe về một ngày làm việc của mình, về công việc mình đang làm hay chỉ mặc định con cái còn nhỏ không nên biết chuyện người lớn?
"Tôi từng đè cái bóng của mình lên đứa con đầu tiên đến nỗi đứng trước mình con luôn sợ hãi. Rồi một ngày tôi nhận ra mình đang bắt con đạt được những ước vọng cho bản thân tôi, chứ không phải cho chính con".
TS Đào Minh Hồng
Khi phụ huynh đã không cho con biết câu chuyện, cảm xúc của mình thì con cái không muốn tâm sự cũng là điều dễ hiểu.
Do vậy, trước hết phụ huynh cần xem con là người bạn đúng nghĩa mới có thể nhận lại điều tương tự từ con cái, từ đó giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con trẻ khắng khít hơn.
Làm bạn với con hay đúng hơn là làm bạn với nhau là mối quan hệ hai chiều, không một bên nào "cố quá" mà cả hai đều cần sự mở lòng thật sự, bởi vốn dĩ khi con trẻ được sinh ra, cha mẹ có thêm những người-bạn-lớn-cùng-huyết-thống.
Và với con trẻ, cha mẹ trở thành người bạn đồng hành vô điều kiện, nên để giữ gìn sự đồng hành đó, hơn hết cha mẹ cần đắp lên những viên gạch yêu thương, bền chắc và đầy sự tôn trọng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận