Năm 2014, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN dự báo xuất khẩu của VN vào Mỹ trong năm đạt khoảng 29,4 tỉ USD, lần đầu tiên đứng đầu ASEAN về xuất khẩu vào thị trường này. Ảnh: Tiến Long |
Trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ, VN không chỉ có được những con số tăng trưởng trong xuất khẩu mà còn là cơ hội được học hỏi công nghệ, tác phong làm việc của một thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia và diễn giả tham dự hội thảo “20 năm quan hệ VN - Hoa Kỳ: nhìn từ góc độ kinh tế”, do Hội Hữu nghị VN - Hoa Kỳ TP.HCM tổ chức ở TP.HCM sáng 31-7.
Ông Lê Quốc Ân, trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may VN, cho biết ngành dệt may VN thật sự được cởi trói khi bắt đầu làm ăn với thị trường Hoa Kỳ.
Trước năm 2000, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may VN chỉ hơn 45 triệu USD. Sau khi Hiệp định thương mại song phương VN - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào năm 2001, kim ngạch xuất khẩu lập tức vọt lên 1 tỉ USD trong năm sau đó và đến năm 2014 con số này đã lên hơn 10 tỉ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ.
“Dù thuế suất không về 0% ngay lập tức sau khi TPP được ký kết nhưng theo nhẩm tính chỉ riêng 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may hiện nay, hàng dệt may cũng giảm được 1,7 tỉ USD tiền thuế.
Chắc chắn các mặt hàng sẽ giảm theo lộ trình, nhưng chỉ cần giảm được một nửa số tiền trên, sức cạnh tranh hàng dệt may VN sẽ được nâng lên rõ ràng, cơ sở cho hàng VN tăng thị phần lên gấp đôi so với hiện nay là hoàn toàn có thể” - ông Ân nói.
Theo ông Ân, trong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sự cải thiện chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may VN mới là điểm nhấn quan trọng. Trong hơn 24 tỉ USD xuất khẩu của ngành dệt may, giá trị thặng dư VN được giữ lại lên 50% chủ yếu nhờ vào thị trường Hoa Kỳ.
Hầu hết nhà xuất khẩu VN đều làm việc trực tiếp với nhà nhập khẩu Hoa Kỳ hoặc chỉ qua một cấp, nhờ đó giá trị gia tăng cho ngành dệt may ngày càng được cải thiện, tăng nhiều hơn.“Rất nhiều nhân sự quan trọng đang làm trong ngành dệt may đều từng được đào tạo tại Hoa Kỳ, đó là cái lớn nhất VN có được” - ông Ân khẳng định.
Ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng Bộ Công thương, cũng cho rằng trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ nếu chỉ nói về thương mại thì không thể hiện tầm vóc mối quan hệ giữa hai nước.
Thời gian qua, các lĩnh vực giáo dục, chuyển giao công nghệ, lao động đều có sự hợp tác mạnh mẽ với doanh nghiệp, Chính phủ Hoa Kỳ. Năm 1995 chỉ có 800 sinh viên VN học tập và nghiên cứu ở Hoa Kỳ, ngày nay con số đó đã hơn 17.000, đứng thứ tám trong số các cộng đồng sinh viên nước ngoài du học tại Hoa Kỳ.
Trong TPP, công nghệ cũng được đề cập nhiều ở các chương khác nhau và là một nội dung quan trọng. Tuy không có các cam kết sẽ chuyển giao công nghệ nhưng ít nhất cũng sẽ tạo ra những khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác chuyển giao công nghệ cũng như các vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Ông Lương Văn Tự - nguyên đồng chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp VN - Hoa Kỳ về kinh tế thương mại, trưởng đoàn đàm phán VN tại WTO - cũng cho rằng nếu TPP được ký kết và đưa vào thực thi, xuất khẩu của VN sang Mỹ không chỉ 40 tỉ USD như hiện nay mà có thể tăng lên 50 - 60 tỉ USD.
Theo ông Tự, điều quan trọng khi đưa hàng VN vào Hoa Kỳ là chất lượng, thời gian giao hàng đúng như cam kết và phải quan tâm đến môi trường, sử dụng lao động, bán giá cao hơn giá bán trong nước. Cần bỏ thói quen hạ giá để bán được hàng, nếu không sẽ rất dễ bị dính các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận