29/12/2016 12:08 GMT+7

Làm ăn trên cầu Sài Gòn tại Campuchia

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Nằm trên đại lộ Monivong sầm uất của Phnom Penh, cầu Sài Gòn (tên Khmer là Chba Om Pau, thuộc xã Chba Om Pau 1 và 2, huyện Chba Om Pau) là nơi cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn.

Gian hàng chuối của chị Đặng Thị Hằng ở khu chợ gần cầu Sài Gòn - 
Ảnh: YẾN TRINH
Gian hàng chuối của chị Đặng Thị Hằng ở khu chợ gần cầu Sài Gòn - Ảnh: YẾN TRINH

“Có người giàu có tiếng nhưng họ đi khỏi nơi này rồi. Còn nghèo như nhà tui thì chắc ở đây hoài

Ông Trần văn Trung

Tên gọi cầu Sài Gòn do người gốc Việt đặt sau khi quân tình nguyện VN tham gia giải phóng Phnom Penh năm 1979.

Một thế giới khác biệt

Dù nằm trên đại lộ Monivong nhưng cầu Sài Gòn lại cách trung tâm thủ đô Phnom Penh đến 10km.

Đó là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Những ngôi nhà lụp xụp ở hai bên chân cầu với đường sá nhớp nháp gợi cho người ghé qua cảm giác tối tăm.

Một số thanh niên thất nghiệp, hoặc thì giờ nhàn rỗi sau khi đi làm thuê trên các chợ trung tâm trở về, cởi trần nằm sải lai trên những chiếc ghế nhựa trước nhà. Cái nắng thiêu đốt cộng với mùi cá trong không khí càng làm khung cảnh trở nên bức bối.

Quẹo vào con đường 369 đông đúc chia làm nhiều nhánh, người gốc Việt sống trong những ngôi nhà cạnh các ngã rẽ nhỏ hẹp ven sông.

Nhà của ông Lâm Văn Phong (56 tuổi), chi hội trưởng Hội người Campuchia gốc Việt huyện Chba Om Pau, cũng nằm ở đó.

Đang dở tay bện những búi cước chùi nồi để đem bỏ mối, ông Phong chậm rãi kể: “Người VN ở đây từ lâu đời rồi. Năm 1980, người Việt tới đây sống nhiều lắm, phần lớn là Việt kiều chạy tàn quân Pol Pot rồi quay lại, quần cư ở hai bên chân cầu để sống, giống như dân kinh tế mới hồi hương về lại Sài Gòn tại TP.HCM.

Khu này từng bị cháy mấy lần rồi bị sạt lở. Bà con khổ sở gầy dựng lại từ hai bàn tay trắng”. Sống ở đây từ nhỏ, ông Phong chứng kiến những buồn vui của người gốc Việt nơi này và đúc kết trong một từ nghe rất đời: phận buồn.

Ngoài nghề cá, người gốc Việt ở khu cầu Sài Gòn buôn bán nhỏ (gỏi cuốn, cơm, hành tỏi...). Ai khá thì bán đồ gốm, buôn đồ gỗ, cây kiểng... với nguồn hàng từ các tỉnh ở VN.

Theo lời ông Phong, cũng có một số người ăn nên làm ra như ông Sáu Hoa chuyên buôn đồ gỗ, ông Phát chuyên cây kiểng xuất xứ từ tỉnh Bình Dương...

“Thế nhưng ít có người gốc Việt nào khá giả mà muốn ở lại khu này. Khi có tiền họ tìm đường vào trung tâm Phnom Penh mua nhà, gầy dựng cơ ngơi. Vì vậy, phần lớn người gốc Việt ở khu vực này làm ăn chỉ đủ sống. Nhiều người vẫn còn ở nhà thuê, đi bán hàng rong...” - ông nói.

Những tiểu thương nghèo

Nghề nghiệp chính của người gốc Việt ở khu cầu Sài Gòn bây giờ là buôn bán. Đều tay gọt vỏ những trái chuối xanh thảy vào giỏ, chị Đặng Thị Hằng (29 tuổi, quê gốc An Giang) kể rằng mình bán chuối từ nhỏ, thừa hưởng nghề từ cha mẹ.

Tưởng rằng sống mấy đời ở Phnom Penh sẽ khấm khá nhưng chị Hằng cho biết chị đang ở căn nhà thuê 2 triệu đồng/tháng.

Cả nhà chị sống bằng nghề bán chuối, có khi bán ở chợ gần nơi ở, có khi mang vào trung tâm thành phố bán. Ngày nào chị cũng đi từ sáng sớm đến trưa trờ trưa trật mới về.

Trả lời câu hỏi về khả năng tài chính của mình, chị nói: “Không dành dụm được đâu vì đủ thứ tiền phải chi. Nhất là tiền học cho hai đứa lớn, tiền sữa cho đứa nhỏ, rồi tiền nhà, tiền ăn...”.

Ở khu này có nhiều người cùng hoàn cảnh như chị Hằng. Rẽ qua một ngõ hẹp sát bờ sông, ngôi nhà tuềnh toàng của anh Lê Thanh Dân (33 tuổi, quê Đồng Tháp) trông như muốn sập đến nơi.

Chỉ có chiếc xe ba gác kiểu Campuchia là tài sản giá trị, trên đó chứa rau cải, mắm muối... mà hằng ngày anh chạy đi bán lòng vòng khu chợ Orussey trong thành phố.

“Nhà bị cháy mấy lần nên giờ chẳng buồn xây nữa, làm được nhiêu tiền để lo cho mẹ thôi” - anh nói. Mẹ anh sau thời gian bị tai biến, hầu như chẳng còn phụ được anh trong việc buôn bán nữa.

Cuộc sống nghèo khổ in lên gương mặt của những người buôn bán nơi này với những nét chau mày khi bàn chuyện mớ rau, con cá, chuyện chợ sớm chợ chiều. Kể cả trong câu chuyện của những người già.

Ông Nguyễn Văn Hợi (70 tuổi, quê An Giang), sau nửa đời người ở khu này cũng cất được căn nhà nhỏ và một cái sạp bán bánh kẹo trước nhà, cho biết: “Tui có cả chục đứa con, đứa nào cũng buôn bán lặt vặt giống mình. Chúng tôi ở đây từ cái thời đường đi còn là đường mòn, nhà chủ yếu là nhà lá, tới giờ mọi thứ cũng chẳng thay đổi nhiều”.

Ông Trần Văn Trung (59 tuổi, quê Tây Ninh) sống ở đây gần 20 năm, sau chục năm đánh cá ở Biển Hồ thì nói: “Dù sao sống ở đây cũng ổn định hơn hồi ở Biển Hồ, mình có cái nhà để ở, có mấy bộ bàn ghế để bán cà phê, đồ ăn sáng”.

Để có được quán cà phê như bây giờ, vợ chồng ông Trung phải dành dụm, vay mượn. Hỏi ông ở đây có nhiều người giàu hay không, ông cười hề hề: “Có chớ. Người mình chịu khó làm ăn, có người giàu có tiếng nhưng họ đi khỏi nơi này rồi. Còn nghèo như nhà tui thì chắc ở đây hoài”.

Mộng hồi hương

Theo lời ông Phong, do nhiều người VN tại khu cầu Sài Gòn không nhập tịch Campuchia được, con cái không có giấy khai sinh... nên cuộc sống khó khăn đủ bề, nhất là trẻ em chỉ có thể học biết mặt chữ chứ không thể học lên cao.

Ông là một trong số ít người có quốc tịch Campuchia ở khu này nhưng cũng không thể lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Trong khi đó, rất nhiều người phải sống phận “tầm gửi”, việc làm ăn sinh sống nhiều khi không tự định đoạt được.

Ông Đặng Văn Chiến (76 tuổi, quê Hậu Giang) mấy hôm nay để việc bán cà phê cho vợ lo liệu. Ông đang lo xin giấy xác nhận để về lại VN sống vì cuộc sống ở khu này ngày thêm khó khăn.

“Hồi trước ở VN tui cũng mần ruộng. Hồi mới qua xóm này còn thưa thớt, tui đi mua phế liệu. Rồi đỡ đỡ chút thì mua xe đẩy để bán cà phê. Nhà tui thuê cũng 4 triệu đồng/tháng, nặng tiền lắm” - ông nói.

Hỏi ông về lại quê nhà sẽ làm gì sống, ông nói: “Già vầy còn trông mong gì nữa. Giờ hai đứa con cũng lớn rồi, lại có nghề buôn bán, về lại nhà thì ra chợ bán cũng được”.

Nhưng theo lời ông, về lại quê hương còn có họ hàng, bà con chòm xóm. Lỡ có đói khổ cũng không ai bỏ rơi mình, nó khác với bên đây...

Với ông Chiến, ước mơ hồi hương là trong tầm tay. Nhưng còn với nhiều người, trong độ tuổi trẻ trung, lại khó hơn.

Chị Hằng nói: “Mấy đứa nhỏ giờ đang tuổi ăn học nhưng không có giấy khai sinh. Mình ở đây làm cũng không dư được đồng nào. Nhưng về VN, hai vợ chồng không có đất đai, nhà cửa gì, cũng giống như bên đây thôi”.

Chị nói thôi thì ráng làm thêm vài năm nữa, đợi con út của chị được 5-6 tuổi rồi cả nhà cùng về.

Chiều xuống, đứng từ trên cầu Sài Gòn nhìn xuống hai bên chân cầu, khu nhà của những người VN giống như bức tranh buồn.

Khi chọn một cây cầu mang cái tên hoài nhớ quê hương là Sài Gòn để định cư, dường như cộng đồng gốc Việt đã chấp nhận sự lạc lõng của mình giữa thủ đô của một dân tộc khác.

 

Người gốc Việt ở khu cầu Sài Gòn thường buôn bán ở khu chợ Chba Om Pau gần đó. Thế nhưng, phần lớn họ chỉ đứng bán phía ngoài chợ vì giá thuê sạp trong chợ cao, họ lại không nhiều vốn và không có giấy tờ nên không dám đổ tiền mua sạp.

Theo ông chi hội trưởng người gốc Việt huyện Chabaompau, khoảng năm năm trở lại đây, người gốc Việt ở khu này hồi hương VN khá nhiều vì điều kiện sống tệ hơn trước.

Tổng hội người Campuchia gốc Việt chỉ có thể trợ giúp dân mình vào các đợt sạt lở, lễ tết... chứ không có kinh phí để hỗ trợ nhiều hơn.

-----

Kỳ tới: Duyên tình Việt - Khmer

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2: 

>> Kỳ 3: 

>> Kỳ 4:  

>> Kỳ 5: 

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên