Phóng to |
Hiện trường vụ tai nạn tại Long An ngày 11-5 - Ảnh: Trường Giang |
Từ phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn cứ xảy ra trong thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần sớm chấn chỉnh khâu đào tạo lái xe và ý thức của tài xế.
Chủ quan: bệnh của bác tài
Có rất nhiều nguyên nhân phải xem xét sau mỗi vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Từ góc nhìn vừa là lái xe chuyên nghiệp nhiều năm, vừa là giáo viên dạy thực hành lái xe, xin chỉ ra nguyên nhân cơ bản trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa qua, đó là sự chủ quan - căn bệnh cố hữu đã trở thành đại dịch của các lái xe đường dài từ lâu nay. Hai vụ tai nạn vừa qua dù xảy ra ở hai địa điểm, thời gian khác nhau nhưng có điểm chung là đối đầu trực diện và đều xảy ra giữa xe tải và xe chở khách. Chỉ chạy nhanh, không làm chủ được tốc độ mới dẫn đến tình trạng vô phương cứu chữa như vậy.
Nhà xe, tài xế trước, trong và sau mỗi chuyến đi thường thắp nhang cầu khấn cho những chuyến xuất hành được trở về bình an, nhưng gần như trong tất cả tai nạn xảy ra, quan niệm xui rủi vẫn luôn là câu cửa miệng để tự an ủi. Với những người bình thường có thể suy nghĩ, quan niệm như thế, song với các lái xe thì tôi không chấp nhận quan niệm “xui xẻo thì phải chịu...”.
Bởi lẽ nghề lái xe nếu được học cơ bản, đàng hoàng thì từ đầu tiên được học là “cẩn thận”, và từ này phải luôn luôn và mãi mãi nằm lòng liên tục trong suốt cuộc đời cầm lái. Lái xe có nhiệm vụ chủ yếu, duy nhất và cuối cùng vẫn là điều khiển chiếc xe đi đến nơi về đến chốn an toàn.
Để làm được điều này, lái xe phải hội đủ rất nhiều điều kiện: phải có sức khỏe, có giấy phép đúng loại xe mình lái, có nhiều năm kinh nghiệm lái xe, có đạo đức nghề nghiệp; biết nhường nhịn; phán đoán và xử lý các tình huống một cách khoa học, chính xác... Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng bậc nhất để lái xe an toàn là tốc độ. Tốc độ đó phải phù hợp với sức khỏe lái xe, khả năng lái, phán đoán xử lý tình huống, đồng thời phù hợp với tình trạng mặt đường, mật độ giao thông, điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình...
Thế nhưng trong thực tế, ngoài những khu vực có cảnh sát giao thông chốt chặn, đo tốc độ thì gần như các tài xế đều chạy theo cảm tính. Các xe có gắn thiết bị giám sát hành trình khi tốc độ vượt quá quy định 70-80 km/g sẽ phát tín hiệu bíp bíp, đèn nháy đỏ liên tục, nhưng việc cảnh báo là của máy, còn việc chạy đua cứ là chuyện của lái xe.
Không có Nhà nước hay thánh thần nào, cũng như không có trường lớp nào có thể lo lắng, tuyên truyền, chỉ dạy, uốn nắn hay che chở cho những con người trong tay cầm sinh mạng của chính mình và biết bao nhiêu người vô tội khác mà không biết nghĩ, mà cẩu thả, vô cảm! Tất cả tài xế trên cả nước hãy nhìn thẳng vào vụ việc và rút ra bài học thiết thân. Đó là hãy chạy chậm đến mức có thể. Chỉ có chạy chậm, chạy chắc sẽ đến bến, đến bờ bình yên, hạnh phúc. Mà dẫu có tông nhau hay tự quyết định cho lao vào đâu đó ở những tình huống “bất khả kháng” thì hậu quả hay thiệt hại cũng không đến nỗi to lớn và đau thương đến như vậy.
Trương Nhất Vương
Chấn chỉnh khâu cấp bằng
Rất nhiều vụ tai nạn do tài xế xe tải gây ra trên khắp cả nước. Nhiều tài xế gây tai nạn tuổi đời thường còn rất trẻ, trình độ văn hóa không cao. Và điều kéo theo là họ ít am hiểu về pháp luật. Chỉ một phút giây xử lý không chuẩn, họ đã gây ra bao tổn thất. Tôi nghĩ cần phải có một cuộc cải tổ trong việc đào tạo lái xe, nhất là yêu cầu cao hơn về trình độ và phẩm chất đạo đức của người lái xe. Cứ tình trạng trường lái mở tận thôn xã như hiện nay thì tai nạn giao thông càng khó mà giảm thiểu.
nguyennhiphuong67@...
Việc học, dạy, thi cấp giấy phép lái ôtô trong thời gian qua phải dùng từ “loạn”. Nhiều cơ sở dạy nghề lái ôtô chỉ chú trọng lợi nhuận, cắt giờ thực hành, rút ngắn thời gian, thậm chí thi cử chỉ mang tính chất hình thức (mặc dù chấm bằng máy tính nhưng các cơ sở sát hạch đều có chiêu thức, dấu hiệu riêng giúp người thi né lỗi).
Theo tôi, việc cấp bằng lái xe chưa thể là điều kiện đủ để được hành nghề lái xe, mà người muốn trở thành tài xế bắt buộc phải tham gia một khóa học nghiệp vụ lái xe (về cách phục vụ, đạo đức của người lái xe, ứng xử, giao tiếp...) và cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ này phải được cơ quan có chức năng cấp phép, duyệt chương trình giảng dạy.
lamle2006th@...
Vụ Tai nạn giao thông làm 7 người chết tại Bình Thuận: Xe khách chạy với vận tốc 105 km/g * Xem xét thi đua CSGT địa bàn nếu xảy ra tai nạn giao thông Ngày 14-5, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết theo thông tin ban đầu, thời điểm xảy ra vụ tai nạn vào ngày 11-5 tại thôn An Bình, xã Sông Phan (huyện Hàm Tân) xe khách Trung Nga chạy với vận tốc “chóng mặt” lên đến 105 km/g so với tốc độ cho phép 80 km/g tại cung đường này. Một lãnh đạo Công an huyện Hàm Tân cho biết đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án. Hiện các điều tra viên vẫn chưa thể làm việc với tài xế xe khách Trung Nga là Nguyễn Văn Oanh (41 tuổi, ngụ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) vì tài xế này đang bị thương rất nặng. Đối với tài xế xe container là Nguyễn Văn Quý (37 tuổi, ngụ Bình Định) vẫn đang bị tạm giữ để điều tra. Sau vụ tai nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương đã có công văn chỉ đạo nhằm chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động vận tải xe khách trên địa bàn tỉnh. Ông Phương yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1 và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi vượt tốc độ, lấn đường, giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển xe, người điều khiển xe liên tục quá bốn giờ... Đồng thời giao trách nhiệm cho từng chiến sĩ cảnh sát giao thông phụ trách từng đoạn đường trên quốc lộ 1, nếu đoạn đường trên có xảy ra tai nạn giao thông thì xem xét thi đua đối với chiến sĩ đó. NG.NAM |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận