29/01/2018 12:57 GMT+7

Lái xe container: Chuyện ở Phú Tài

V.TRƯỜNG -  CHẾ THÂN
V.TRƯỜNG - CHẾ THÂN

TTO - Cứ 10 tài xế container đường dài mà chúng tôi gặp thì 2-3 người là dân Phú Tài, Hoài Nhơn, Bình Định. Sở GTVT tỉnh cho biết chỉ từ năm 2015-2017, đã cấp đổi tới 3.744 bằng lái xe hạng FC, chưa kể số bằng lái dân Bình Định thi ở địa phương khác.

Lái xe container: Chuyện ở Phú Tài - Ảnh 1.

Hai cha con tài xế Nguyễn Ngọc Tỵ chỉ được gặp nhau trong những ngày ông... thất nghiệp - Ảnh: C.T.

Ngày xưa người ta gọi là bác tài với thái độ trân trọng những người cầm lái ôtô. Bây giờ có mấy ai gọi bác tài nữa đâu, họ toàn kêu “thằng tài xế”, nghe thấy đau lắm

Tài xế NGUYỄN VĂN GIA (60 tuổi)

Trên đường chở trái cây ra cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi ở ngã ba Phú Tài. 

Tài xế Nguyễn Văn Hải nói: "Đây là quê của tôi. Ở đây có cả trăm người làm nghề lái xe container. Tôi theo nghề này cũng do anh em trong xóm rủ đi".

Nghề của người nghèo

Ngã ba Phú Tài là địa danh mà giới tài xế thường dùng khi xác định địa điểm đến Quy Nhơn trên quốc lộ 1. Đơn vị hành chính chỗ này là phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn. 

Theo ông Nguyễn Trì - cán bộ khu phố 2: "Cứ 10 gia đình thì có 6-7 người lái xe container rồi. Các nơi khác ở Quy Nhơn cũng nhiều người làm nghề này nhưng không bằng ở đây".

Theo ông Trì, hơn chục năm trước nhiều gia đình đã thoát nghèo và khá lên nhờ có người đi lái xe container. Gần nhà ông có gia đình cả ba thế hệ đều làm tài xế container. Họ dành dụm cất được cái nhà khang trang. 

Bà con chòm xóm mừng cho họ. Nhưng chưa được bao lâu thì một người trong số đó chẳng may gây tai nạn giao thông, phải bán nhà để bồi thường cho nạn nhân. Mấy năm nay họ bỏ xứ đi mất.

8h sáng, chúng tôi gặp ông Lê Hồng Phúc đang ngồi rầu rĩ bên mái hiên căn nhà cấp 4 vì hôm nay chưa có ai thuê làm gì. Ông là một trong những người đầu tiên ở Phú Tài theo nghề lái xe container. 

Hơn 15 năm ôm vôlăng loại xe "hung thần" này đã bào mòn sức lực nên ông phải bỏ nghề về quê tìm công việc khác. Cuộc sống gia đình ông hiện nay chủ yếu nhờ vào đồng lương người vợ làm công nhân. Giờ ai thuê làm gì thì ông làm nấy để có tiền phụ vợ con.

"Hồi đó xe ít, tài xế container cũng ít nên có giá lắm. Mỗi tháng chạy được 3-4 chuyến Nam - Bắc, thu nhập đủ nuôi gia đình. Cũng vì thấy nghề này dễ sống nên nhiều thanh niên trẻ đi học lấy bằng FC rồi vào miền Nam xin việc làm. 

Bây giờ xe nhiều, hàng ít, cước phí rẻ và phải nằm chờ lâu nên mỗi tháng chỉ còn 1-2 chuyến. Tiền lương tằn tiện thì may lắm được 5-7 triệu đồng/tháng. 

Chạy xe bây giờ khó lắm, sợ nhất là chuyện bồi thường hàng hóa. Ai gặp chuyện xui rủi thì trắng tay, tù tội. Nghề này cay đắng lắm chứ không phải dễ kiếm tiền như nhiều người nghĩ" - ông Phúc nói.

Hôm đó chúng tôi tới nhà của hơn chục tài xế container ở Phú Tài. Tất cả có một điểm chung là nghèo. 

Gia đình của ông Nguyễn Ngọc Tỵ có hai thế hệ làm nghề lái xe container. Ông có 35 năm lái xe và là một trong những người đầu tiên ở đây chạy xe container. Hai người con trai của ông cũng nối nghiệp cha. Vậy mà tài sản của gia đình này chỉ là căn nhà cấp bốn với chiếc... tivi.

Có một điều rất lạ là các tài xế container ở đây không hề cạnh tranh, ganh ghét đồng nghiệp. Cả xóm Phú Tài ai cũng biết chuyện anh Lâm chở container lúa giống mới bị phạt 70 triệu đồng, giam bằng lái bốn tháng. 

Ông Tỵ thở dài: "Nó mới về quê chạy container chở lúa giống được một chuyến rồi ôm nợ luôn. Xe nó chở 20-30 tấn lúa vô đường nông thôn gặp cầu tải trọng tối đa 10 tấn. Không còn đường lùi, cũng không có đường khác để đi nên nó làm liều chạy qua cầu luôn.

 Bị giam bằng lái, nó phải bỏ xứ đi kiếm việc làm để dành dụm nộp phạt và lấy bằng lái ra".

Lái xe container: Chuyện ở Phú Tài - Ảnh 3.

Căn nhà cấp 4 của tài xế Nguyễn Ngọc Tỵ ở Phú Tài, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: C.Thân

Gia đình sum họp là... đói

Tài xế Võ Thanh Nhàn ở Phú Tài bảo rằng hồi nhỏ thấy nhiều người trong xóm đi lái xe kiếm được nhiều tiền nên lớn lên anh mới chọn nghề ôm vôlăng. Lái xe du lịch chở khách thì được gần nhà nhưng ít tiền. 

Anh quyết định theo xe container và chấp nhận lang bạt nửa tháng hoặc một tháng mới về thăm nhà. Cưới vợ, sinh con rồi mới thấy chuyện đi biền biệt là thiếu trách nhiệm với gia đình. Nhưng bi kịch là nếu không lái xe nữa để về sum họp gia đình thì sẽ đói.

Mấy hôm nay xe nghỉ vì không có hàng nên anh Nhàn về nhà phụ vợ đưa đón con đi học, làm các việc lặt vặt. Chị Trần Thị Hương Giang (vợ anh Nhàn) nói vui rằng nhờ chồng thất nghiệp mà gia đình mới ở cạnh nhau. 

Bình thường anh Nhàn đi cả tuần mới tạt qua nhà một chút. Có khi 2-3h sáng đang ngủ có điện thoại kêu chạy đi bốc hàng. 

Chị nhìn xa xăm: "Chồng làm tài xế xe đường dài, nghe người ta nói tài xế bồ bịch dữ lắm. Ban đầu cũng ghen, không muốn ảnh đi làm xa. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn nên phải chấp nhận, thông cảm rồi cũng quen".

Trong những ngày chịu đựng cái lạnh cắt da ở chợ Pò Chài (Trung Quốc) chờ giao hàng, chúng tôi thấy tài xế Nguyễn Văn Duy (30 tuổi, nhà ở ngã ba Phú Tài) cứ bồn chồn lo lắng. 

Anh nói: "Tôi ở đây hơn 10 ngày rồi, nhớ thằng con lắm mà không có sóng để gọi điện về thăm hỏi nó". 

Duy cho biết chỉ mới lập gia đình được hơn hai năm. Con trai chỉ mới bảy tháng tuổi mà anh cứ chạy xe liên tù tì, rất ít có thời gian ở nhà phụ vợ chăm sóc con. 

Nhà vợ chồng anh ở Phú Tài nhưng vì con còn nhỏ nên vợ anh phải tá túc nhà mẹ ruột tại TP.HCM. Mỗi chuyến hàng từ miền Tây đi Trung Quốc, nếu xuất phát ban ngày thì anh tranh thủ tạt qua nhà vợ thăm con một chút. Hôm nào chạy đêm thì không ghé nhà thăm con được.

Duy tâm sự nghe đứt ruột: "Con còn nhỏ, tôi rất muốn ở gần để chăm sóc, đỡ đần cho vợ nhưng khó quá. Giờ ít hàng, xe chạy được là may lắm rồi nên không dám nghỉ. 

Tôi đã động viên vợ cố gắng lo cho con thêm một thời gian để tôi dành dụm được ít tiền rồi sẽ nghỉ. Hai vợ chồng sẽ mở quán cơm bình dân kiếm sống. Nghèo thì tôi chấp nhận nghèo, miễn được gần con là tôi thấy hạnh phúc rồi".

Lái xe container: Chuyện ở Phú Tài - Ảnh 4.

Những phút giây sum họp hiếm hoi của gia đình tài xế Võ Thanh Nhàn - Ảnh: Chế Thân

3 năm, cấp đổi 3.744 bằng lái hạng FC

Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết chỉ trong ba năm, từ năm 2015-2017, cơ quan này đã cấp mới và đổi (do hư hỏng và mất) tới 3.744 bằng lái xe hạng FC chuyên dùng để lái xe container. Đó là chưa kể số bằng lái mà người dân tỉnh Bình Định thi ở địa phương khác, nhất là TP.HCM.

Số người thi và được cấp bằng lái hạng FC nhiều nhất là TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát và An Lão. Con số thống kê này đủ để cho thấy Bình Định là "thủ phủ" của tài xế xe container.

Kỳ tới: Làm lại cuộc đời

V.TRƯỜNG - CHẾ THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên