Trong báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về việc cải thiện môi trường kinh doanh trong ba tháng đầu năm 2016 vừa được gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch - đầu tư khẳng định kết quả thực thi nghị quyết chưa có nhiều thay đổi, đồng thời cho biết chỉ có ba bộ và 13 UBND tỉnh gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2015, dù nghị quyết yêu cầu “định kỳ hằng quý tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện”.
Theo báo cáo, trong 6 chỉ tiêu mà nghị quyết này đưa ra chỉ một vài chỉ tiêu đạt yêu cầu, như chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh (còn 5 thủ tục trong thời gian 10-15 ngày thay vì 10 thủ tục và 34 ngày như trước đây), chỉ số bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, tiếp cận điện năng...
Tuy nhiên, chỉ số quan trọng hàng đầu là thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội đều không đạt. Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết thời gian thực hiện các thủ tục bảo hiểm xã hội VN đã cắt giảm nhưng “chưa đạt mục tiêu của nghị quyết”, đồng thời cho rằng nếu cắt giảm thêm được 36 giờ từ nay đến cuối năm như ngành này dự kiến mới đạt mục tiêu.
Trong khi đó, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới không những không tăng mà liên tục giảm thứ hạng trong hai năm gần đây do những bất cập về quản lý chuyên ngành. Theo báo cáo, hầu hết bộ, ngành chưa chú trọng cải cách quy định và thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Đặc biệt, thủ tục cấp phép xây dựng còn kéo dài thêm 52 ngày (từ 114 ngày lên 166 ngày mới có thể xin xong giấy phép), chỉ số đăng ký sở hữu tài sản còn tăng thêm một thủ tục khiến điểm số về chất lượng thủ tục hành chính đất đai ở mức trung bình thấp...
Báo cáo cũng cho biết nhiều bộ vẫn tiếp tục soạn thảo, ban hành các thông tư có nội dung quy định về điều kiện kinh doanh trái quy định, trong đó có Bộ Lao động - thương binh và xã hội (thông tư về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp), Bộ Tài chính (thông tư quy định về hành nghề chứng khoán)...
Trong đó nhiều bộ chưa rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, không phù hợp, không cần thiết, thậm chí “nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng”...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đức Thành - viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - thừa nhận tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” diễn ra phổ biến ở VN, nhưng khó xử lý trách nhiệm với cơ chế hiện nay.
Theo ông Thành, ngay các giấy phép con đã bị bãi bỏ nhưng nhiều cơ quan vẫn cố giữ “vì nó liên quan đến lợi ích cục bộ”, hậu quả là doanh nghiệp lãnh đủ.
“Theo tôi, Chính phủ nên có đánh giá và xem xét trách nhiệm cụ thể, thậm chí có thể đưa vấn đề này ra để làm tài liệu cho Quốc hội đánh giá” - ông Thành đề xuất.
Ngoài việc yêu cầu các bộ thực hiện cải cách quy định và thủ tục quản lý chuyên ngành; áp dụng phương thức quản lý rủi ro và chuyển mạnh sang hậu kiểm, nghị quyết 19 cũng đặt ra 6 mục tiêu, trong đó yêu cầu trong năm 2015 phải phấn đấu rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ, nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ, thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu phải đạt mức ngang bằng với sáu nước hàng đầu ASEAN, thời gian cấp phép xây dựng còn tối đa 77 ngày, thời gian làm thủ tục phá sản từ 60 tháng còn tối đa 30 tháng... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận