Theo trang ABC News của Úc sáng nay (14-11), vụ việc mới nhất được báo cáo tại Melbourne, và liên quan đến trái lê.
Nạn nhân là cô Clare Bonser - người làm trang điểm của chương trình ABC News Breakfast. Ngày 13-11, cô vừa gặm trái lê vừa lái xe và phát hiện dị vật đáng sợ trong trái cây mình đang ăn. May mắn là cô không bị kim đâm.
"Tôi đang cạp trái lê và ơn trời, không biết vì lý do gì mà tôi lại nhìn vào phần còn lại của trái lê trước khi cắn nốt. May mà tôi kịp trông thấy cây kim", cô Clare kể lại.
Theo lời cô Clare, ban đầu cô cũng chưa nhớ đến những câu chuyện đáng sợ về kim đâm vào trái cây đang gây thời sự trên các mặt báo nên chỉ đặt trái lê ăn dỡ lên ghế ngồi kế bên để tính cách xử lý "vật thể lạ" trong đó.
"Thế rồi tôi mới tỉnh ra và thốt lên hốt hoảng" khi cô nhận ra đó là cây kim dài.
Cô Clare cho biết mình mua trái lê tại cửa hàng ở Woolworths phía tây nam Melbourne vào cuối tuần qua.
Người phát ngôn của siêu thị cho biết đã báo cáo vụ việc lên cảnh sát và đang được điều tra.
Hơn 100 cảnh sát Úc đã được huy động điều tra riêng cho vụ kim may gài vào trái cây nhưng cho đến nay có vẻ vụ khủng hoảng chưa có hồi kết.
Bà My Ut Trinh - người phụ nữ gốc Việt 50 tuổi, bị bắt ở Queensland hôm chủ nhật 11-11 - Ảnh: EPA
Đây là vụ việc mới nhất được đưa lên truyền thông sau khi cảnh sát Queensland tiến hành bắt giữ và tạm giam người phụ nữ tên My Ut Trinh, một người Úc gốc Việt.
Bà Trinh, 50 tuổi, bị bắt vào chiều 11-11 tại một ngôi nhà ở Forest Lake. Thông tin ban đầu cho biết bà nhét kim vào dâu tây để trả thù chủ trang trại đối xử không tốt.
Khi đó có vẻ dư luận muốn trút cơn giận "gây khủng hoảng trái cây" lên người phụ nữ này dù luật sư của bà cho rằng chưa hẳn bà là thủ phạm của vụ việc đang lan rộng ở nhiều nơi tại Úc.
Thực tế trước đó cảnh sát từng phát hiện một cậu bé người Úc bỏ kim vào dâu tây như kiểu trò đùa hù dọa người khác.
Vụ trái lê của nhân viên đài ABC News cho thấy vụ khủng hoảng kim nhọn bỏ trong trái cây dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Úc.
Vụ việc bắt đầu được chú ý khi một bài đăng xuất hiện trên Facebook vào đầu tháng 9 vừa qua.
Một người đàn ông khẳng định rằng bạn của anh ta đã nuốt phải một phần của kim khâu trong dâu tây và phải đến bệnh viện.
Hộp trái dâu có kim - Ảnh: TWITTER
Sau đó, cảnh sát Úc khẳng định hiện tượng "kim khâu trong trái cây" đã bắt đầu lan rộng ra tất cả 6 tiểu bang của Úc.
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 14-9, sở cảnh sát bang New South Wales khẳng định đã có tới 6 thương hiệu cung cấp dâu tây được phát hiện chứa kim may bao gồm hãng Berry Obsession, Berry Licious, Love Berry, Donnybrook Berris, Delighful Strawberries và Oasis.
Thậm chí, cảnh sát cho biết thêm đã nhận được báo cáo về việc người dân phát hiện nhiều kim khâu và mảnh kim loại trong dâu tây ở các vùng ngoại ô Perth khác như Kelmscott, Spearwood và Bull Creek.
Mọi việc dường như còn trở nên rắc rối hơn khi một số loại trái cây khác cũng xuất hiện kim giấu trong hộp hoặc đâm thẳng vào trái cây.
Cảnh sát tiếp tục phát hiện kim may bên trong táo và chuối khiến cuộc khủng hoảng kim trong trái cây trở nên hỗn loạn hơn.
Một khách hàng khác cũng phát hiện kim may bên trong trái xoài mua tại siêu thị Coles nằm ở khu vực ven đô, bang New South Wales của Úc.
Một người chụp ảnh báo về việc trái dâu bị đâm kim may - Ảnh: TWITTER
Ông Adrian Schultz, phó chủ tịch Hiệp hội người trồng dâu Queensland, từng lên tiếng cảnh báo rằng có thể chuyện này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp trái cây, chứ không chỉ là dâu tây.
"Tôi rất tức giận với tất cả những ai liên quan đến vụ việc này. Có thể nông dân, nhà cung cấp, người đóng gói, tài xế chở hàng sẽ mất việc vì sự vô lương tâm của một số đối tượng đã nhét kim vào bên trong trái cây", ông Schultz trả lời phỏng vấn với trang News.com.au.
Giới chức trách y tế ở Úc đã phải lên tiếng cảnh báo mọi người mua trái cây cần đảm bảo an toàn bằng cách cắt nhỏ trái cây trước khi ăn và kiểm tra thật kỹ. Nếu có kim hay mảnh kim loại nhỏ thì hãy báo ngay cho sở cảnh sát gần nhất.
Theo luật ở Úc, những ai cố ý nhét kim vào trái cây sẽ phải ngồi tù từ 10 - 15 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận