Siêu thị Coop của Thụy Điển phải đóng hàng trăm cửa hàng do bị liên đới từ vụ tấn công mã độc của nhóm tin tặc REvil - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn ngày 5-7, Fred Voccola, giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ thông tin Kaseya, cho biết rất khó ước tính tác động chính xác của cuộc tấn công mạng ngày 2-7 vừa qua vì những nạn nhân thực sự chủ yếu là khách hàng của Kaseya.
Khách hàng của Kaseya là các công ty quản lý dịch vụ công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp khác, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ, có nguồn lực khiêm tốn, không có bộ phận kỹ thuật riêng.
Do đó, khác với các vụ tấn công mạng trước đây, số lượng nạn nhân cụ thể trong vụ tấn công này lớn hơn dù không gây gián đoạn lớn về hạ tầng.
Một trong những công cụ phần mềm của Kaseya đã bị tin tặc (nhóm REvil) "hạ gục" hôm 2-7. Nhóm này cho biết đã khóa hơn 1 triệu thiết bị. Ảnh hưởng của vụ việc rõ ràng hơn ở Thụy Điển. Quốc gia này có hàng trăm siêu thị phải đóng cửa do máy tính tiền không thể hoạt động. Ở New Zealand, các trường học và nhà trẻ không thể kết nối mạng.
Ban đầu, tin tặc yêu cầu 45.000 USD để mở khóa từng chiếc máy tính bị ảnh hưởng. Sau đó, chúng đòi 70 triệu USD tiền chuộc bằng bitcoin và phải chuyển trong một giao dịch để khôi phục tất cả dữ liệu của các doanh nghiệp.
Mới đây, khi nói chuyện với một chuyên gia an ninh mạng, đại diện của nhóm cho biết sẵn sàng thương lượng giảm giá còn 50 triệu USD.
Phía Công ty Kaseya chưa xác nhận liệu họ có đáp ứng yêu sách của tin tặc hay không nhưng giám đốc điều hành Kaseya - ông Voccola đã từ chối đàm phán với khủng bố dưới bất kỳ hình thức nào.
Ông Voccola đã nói chuyện với các quan chức của Nhà Trắng, Cục Điều tra liên bang và Bộ An ninh nội địa của Mỹ về vụ tấn công. Ngày 4-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo dốc toàn bộ nguồn lực để điều tra vụ việc.
Nhóm tin tặc REvil đã từng tấn công Công ty JBS, một trong những nhà cung cấp thịt lớn nhất thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận