Dữ liệu KBSV chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, tính đến đầu tháng 12-2023, bình quân lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống mức 5,13%/năm.
Đã thấp hơn cả thời kỳ đại dịch COVID-19
Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đã hạ khoảng 3 điểm phần trăm so với cuối năm 2022, về mốc thấp hơn cả giai đoạn COVID-19. Có ngân hàng, như Vietcombank, kỳ hạn 12 tháng về 4,8%, thấp chưa từng có.
Lãi suất bình quân kỳ hạn 12 tháng toàn hệ thống (%/năm) - Dữ liệu: KBSV, Tuổi Trẻ
Ông Hồ Đức Thành - chuyên gia phân tích KBSV - cho biết một trong các cơ sở quan trọng để ngân hàng giảm mạnh lãi suất là thanh khoản hệ thống dồi dào, còn tăng trưởng tín dụng thấp.
"Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém, các ngân hàng phải hạ lãi suất, giảm chi phí, đồng thời kích thích cầu tín dụng", ông Thành nói. Thêm nữa, tỉ giá đã bớt căng thẳng hỗ trợ chính sách giảm lãi suất.
Lợi - hại như thế nào nếu lãi suất tiết kiệm giảm sâu hơn?
Một số đơn vị nghiên cứu khác trước đó cũng dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về 5% vào cuối năm 2023.
Vậy giảm sâu hơn nữa có tốt? Ông Thành cho biết mức 5% vẫn đảm bảo duy trì lãi suất thực dương. Lãi suất thực nếu được tính toán tương đối là lãi suất danh nghĩa trừ lạm phát.
Nôm na, lãi suất thực dương khi tiền gửi ngân hàng phải cao hơn lạm phát. Ngược lại, lãi suất thực âm khi mức lãi suất thấp hơn. Chính xác hơn, tính lãi suất thực cần kết hợp cả lạm phát kỳ vọng.
Lượng tiền gửi người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh - Dữ liệu: SBV, Tuổi Trẻ
"Hiện tại lãi suất về rất thấp. Dư địa để giảm tiếp không nhiều", ông Thành nói.
Theo chuyên gia, đây là lúc độ trễ việc giảm lãi suất từ đầu năm bắt đầu có hiệu quả. Việc quan trọng là ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Nhìn chung, khả năng các ngân hàng giảm sâu hơn nữa khó xảy ra, trong bối cảnh lãi suất thực đã ở mức rất thấp và nếu thấp hơn sẽ làm mất tính hấp dẫn của kênh tiền gửi ngân hàng.
Thêm vào đó, lãi suất giảm sâu làm tăng chênh lệch lãi suất tiền đồng với USD. Trong bối cảnh lãi suất đồng USD đang ở đỉnh nhiều năm do chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed, nếu lãi suất VND quá thấp sẽ khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng, từ đó gây áp lực lên tỉ giá, theo ông Thành.
Các nước duy trì lãi suất thực dương hay thực âm?
Việt Nam nhiều năm nay duy trì chính sách lãi suất thực dương và kiểm soát lạm phát và giữ giá trị đồng tiền, không thực hiện nới lỏng thái quá, ông Đinh Tuấn Minh - giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) - quan sát.
Dữ liệu: SBV, Tuổi Trẻ
Với nền kinh tế như Việt Nam, ông Minh quan điểm không nên duy trì lãi suất thực âm, bởi sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn.
Dễ nhận thấy với lãi suất thực âm, có thể khuyến khích người dân đầu tư quá mức vào các lĩnh vực khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... gây tình trạng đầu cơ, sốt nóng.
Đồng tiền mất giá, tỉ giá tăng, đầu tư thái quá… là vấn đề có thể đối mặt khi lãi suất thực âm. Trừ một số nền kinh tế, còn lại đa phần ngân hàng trung ương duy trì lãi suất thực dương, theo ông Minh.
Ông Minh nói thêm, lạm phát Việt Nam được kiểm soát tốt, tỉ giá đã dần ổn định, dòng tiền vào Việt Nam (FDI) vẫn tốt.
"Triển vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ sáng hơn trong năm sau, nhu cầu về vốn nhiều hơn. Khi đó lãi suất khó giảm thêm nữa", ông Minh dự báo.
Chính sách lãi suất ở nhiều nước đều là thực dương - Dữ liệu: DSC, Tuổi Trẻ
Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Chứng khoán DSC - cho rằng lãi suất thực âm với một nền kinh tế như Việt Nam sẽ "hại" nhiều hơn "lợi".
Lãi suất thấp hơn cả lạm phát sẽ khiến nhiều người không gửi tiền. Khi thanh khoản khó khăn sẽ quay lại tác động lãi suất cho vay. Quan trọng nữa, khi đồng tiền mất giá sẽ ảnh hưởng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo vị này, tiền tiết kiệm trong nền kinh tế cũng rất quan trọng. Không tự nhiên nhiều quốc gia trên thế giới duy trì chính sách lãi suất thực dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận