06/04/2024 13:43 GMT+7

Lãi suất qua đêm cao nhất gần 1 năm, ngân hàng bớt cảnh thừa tiền?

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng vừa leo lên mốc 4,59%/năm vào phiên 3-4. Đây là mức cao nhất gần một năm trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước, lãi suất qua đêm liên ngân hàng vừa về mốc 3,9% trong phiên 4-4. Dù giảm nhưng mức này vẫn khá cao trong bối cảnh đã tăng liên tiếp gần đây.

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng lập đỉnh

Từ mức 0,95% vào đầu năm nay, có lúc rơi xuống chỉ còn 0,12% những ngày cuối tháng 1, lãi suất liên ngân hàng vừa leo lên mốc 4,59%/năm phiên 3-4. Đây là mức cao nhất gần một năm trở lại đây kể từ tháng 5-2023.

Dữ liệu: WiGroup, SBV, TTO

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là tín hiệu thể hiện thiếu hụt thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn. Chủ yếu đến từ việc Ngân hàng Nhà nước hút tiền về qua kênh tín phiếu. Ngoài ra từ yếu tố cung - cầu thị trường 1 (ngân hàng với dân cư và doanh nghiệp).

Tại hội thảo khơi thông nguồn vốn thị trường do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 5-4, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết tín dụng vào nền kinh tế tính đến hết quý 1 ước tăng khoảng 1%, đạt trên 13,76 triệu tỉ đồng.

Tăng trưởng tín dụng đã dương trở lại sau hai tháng tăng trưởng âm. Trong khi đó, theo số liệu Tổng cục Thống kê tính đến ngày 25-3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023.

Việc duy trì mặt lãi suất thấp kỷ lục trong vòng 20 năm qua sẽ khó tránh việc dòng tiền tìm kiếm các kênh sinh lợi tốt hơn thay vì gửi ngân hàng.

Bán USD hay tăng lãi suất kìm tỉ giá?

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được bơm vào nền kinh tế.

Giới phân tích nhìn nhận mức tăng trưởng nêu trên sẽ tạo ra áp lực tăng lãi suất huy động lên các ngân hàng thương mại, đặc biệt vào giai đoạn giữa và cuối năm 2024, khi mà cầu tín dụng tăng theo yếu tố mùa vụ.

Ghi nhận lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng đang có xu hướng đảo chiều, rục rịch tăng trở lại sau thời gian dài neo ở mức thấp, nhưng chỉ lác đác tại một số kỳ hạn.

Mặc dù mức tăng chưa phải là lớn và diện rộng, nhưng cũng thể hiện rằng hiện tượng dư thừa tiền tại ngân hàng phần nào hạ nhiệt.

Quốc giaLãi suất NHTWCPI (YoY)Lãi suất thực NHTWXu hướng CPIThay đổi lãi suất gần nhấtThời gian điều chỉnh
Việt Nam (lãi suất chiết khấu)33.97-0.97Không đổiGiảmT6-2023
Mỹ5.383.22.2TăngTăngT7-2023
Trung Quốc3.450.702.8TăngGiảmT8-2023
Philippines6.53.43.1TăngTăng T10-2023
Indonesia6.03.12.9Tăng TăngT10-2023
Thụy Điển44.5-0.5GiảmTăngT9-2023
Malaysia3.01.81.2TăngTăngT5-2023
Châu Âu42.61.4GiảmTăngT9-2023
Anh5.253.41.9GiảmTăngT8-2023
Hàn Quốc3.53.10.4Không đổiTăngT1-2023

Lãi suất chính sách của Việt Nam đã thực âm, trong khi lãi suất tiết kiệm vẫn còn dương nhẹ - Dữ liệu: DSC

Quay lại chuyện tín phiếu, trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng 171.000 tỉ đồng với kỳ hạn 28 ngày, từ 1-3 đến 29-3.

Trong ngày 3-4, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang bơm ròng hơn 8.000 tỉ đồng với lãi suất 4%, kỳ hạn 7 ngày thông qua hợp đồng Reverse Repo (mua lại đảo ngược), nhằm mục đích tăng cường tính thanh khoản trong kênh liên ngân hàng.

Chuyên gia phân tích chứng khoán Mirae Asset cho biết Ngân hàng Nhà nước có sự linh hoạt trong việc can thiệp vào tỉ giá hối đoái.

"Thay vì vội vàng hành động, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước đang dần chuẩn bị các phương án tiếp theo nhằm giảm áp lực tỉ giá hối đoái, có khả năng sẽ bắt đầu với việc bán hợp đồng kỳ hạn đối với đồng USD", chuyên gia Mirae Asset nhận định.

Tỉ giá trên thị trường tự do dao động quanh mức 25.405 - 25.485/USD, đánh dấu mức mất giá gần 3% so với đầu năm. Giá bán ra được Vietcombank niêm yết cũng vẫn neo ở mức 25.120 đồng, ghi nhận mức mất giá 2,86% so với đầu năm. Áp lực đối với tỉ giá dự kiến sẽ tiếp tục cho đến khi Fed chính thức bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, TS Trương Văn Phước - nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỉ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước.

Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất, ông Phước nói.

Không nên đánh đổi lãi suất để ‘cứu’ tỉ giáKhông nên đánh đổi lãi suất để ‘cứu’ tỉ giá

Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỉ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Tuyệt nhiên không để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỉ giá hối đoái, đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên