Tại cuộc họp vừa diễn ra ngày 3-1, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất đã ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhưng nếu lãi suất giảm được nữa thì phải giảm, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề tăng lãi suất trong năm 2024.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, phó viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng - Học viện Ngân hàng, cho rằng việc cần làm là giảm hơn nữa lãi suất cho vay.
Lãi suất năm nay ra sao?
* Cụ thể theo ông, dư địa để hạ lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay năm 2024 như thế nào?
- Dù chính sách tiền tệ 2024 được dự báo tiếp tục nới lỏng, song Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ thận trọng trong việc hạ thêm lãi suất.
Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nếu giảm thêm có thể khiến dòng vốn huy động chảy sang các kênh đầu tư khác.
Hơn nữa, tín dụng tăng chậm hiện nay có nguyên nhân chính không phải do lãi suất, mà chủ yếu do sức cầu kinh tế yếu.
Bài toán đặt ra là việc đẩy mạnh chính sách tài khóa và giảm hơn nữa lãi suất cho vay, không phải hạ thêm lãi suất huy động.
Trong bối cảnh hiện nay, xác suất tăng lãi suất trở lại khá thấp, bởi các ngân hàng thương mại đều thừa thanh khoản, lạm phát được kiểm soát và Fed nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất.
Tuy nhiên, dư địa tiếp tục giảm lãi suất còn khá ít vì với mức lãi suất huy động và mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, ngành ngân hàng cần đảm bảo chỉ tiêu về lãi suất thực dương, cũng như để giảm các áp lực về tỉ giá.
Theo nhiều dự báo, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm 2024.
* Ông dự báo nền kinh tế 2024 như thế nào? Những yếu tố nào có thể đe dọa chính sách tiền tệ nới lỏng, gây áp lực lên lãi suất tiền đồng?
- Động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 là sự cải thiện của công nghiệp khi xuất khẩu hồi phục nhờ các đơn hàng xuất hiện trở lại.
Tiếp theo đó là du lịch và tiêu dùng nội địa hồi phục khi các doanh nghiệp cải thiện được doanh thu. Đầu tư công và thu hút FDI vẫn sẽ là điểm sáng năm 2024.
Trên cơ sở đó, định hướng chính sách là duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi giai đoạn 2024 - 2025 cần lấy lại đà tăng trưởng kinh tế đã suy giảm trong 2023.
Tuy nhiên, những bất ổn đến từ kinh tế thế giới và sự khó khăn nền kinh tế trong nước sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ.
Đặc biệt với một nền kinh tế mở như tại Việt Nam, rõ ràng việc điều hành sẽ chịu áp lực từ sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các quốc gia khác, như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu…
Lãi suất về thấp, tiền đã rẻ
* Lãi suất huy động về mức thấp kỷ lục. Theo ông, như vậy đã coi nền kinh tế Việt Nam xuất hiện tiền rẻ chưa?
- Đối với người gửi tiền, có thể thấy mức lãi suất huy động các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử, tiền đã rẻ.
Nhưng với người đi vay, muốn khẳng định tiền thực sự rẻ hay chưa cần nhìn nhận đối với mức lãi suất cho vay đối với các chủ thể trong nền kinh tế đã thực sự xuống thấp hay chưa.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, vốn nhà nước, lãi suất cho vay về cơ bản đã giảm tương ứng với lãi suất huy động và về vùng đáy lịch sử.
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ, do gặp khó trong việc cạnh tranh huy động nguồn vốn lãi suất thấp nên mức lãi suất cho vay vẫn chưa về thấp nhất được.
Tuy nhiên, khi chi phí huy động nguồn vốn giảm, các ngân hàng nhỏ sẽ có thêm dư địa hạ lãi suất cho vay. Nhìn chung, tiền có thể đã rẻ, nhưng chắc chắn chưa phải ở tất cả nền kinh tế.
* Lãi suất thấp tạo tiền rẻ và nếu cứ ép hạ lãi suất rồi "bơm" mạnh tín dụng, có thể phần tiền sẽ chuyển sang lĩnh vực đầu cơ. Nhưng thực tế không phải luôn như vậy?
- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và nhiều rủi ro năm 2023, dòng tiền đầu tư của người dân phân bổ nhiều vào gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư bất động sản phân khúc có nhu cầu sử dụng thực cao như nhà ở, chung cư.
Nhưng khi lãi suất hạ thấp như hiện nay được duy trì hoặc giảm hơn nữa trong năm 2024 thì tiền có thể sẽ có xu hướng dịch chuyển vào bất động sản và chứng khoán.
Song với việc nền kinh tế còn khó khăn và các biện pháp kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường của Chính phủ, các thị trường này sẽ khó có tăng trưởng nóng như thời COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận