Lãi suất hạ nhiệt
Hai tuần trở lại đây, thị trường liên tục chứng kiến việc nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Sở dĩ có động thái này là do Ngân hàng Nhà nước liên tiếp trong 1 tháng qua đã hai lần giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng.
Lãi suất tiền gửi cao nhất được niêm yết thấp hơn 9%/năm, giảm đáng kể so với mức đạt đỉnh 11-12%/năm trong cuối năm 2022.
Theo báo cáo phân tích thị trường tiền tệ vừa được Công ty chứng khoán VNDirect phát hành, lãi suất tiền gửi được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực lên tỉ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023" - Công ty chứng khoán VNDirect nhận định.
Cú huých cho tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm 2023 không cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này xuất phát từ tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều lĩnh vực gặp khó khăn. Do đó, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chững lại.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế của năm nay, Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp như đôn đốc, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay, có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Đặc biệt, góc độ cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo cơ chế chính sách như giãn, hoãn nợ hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn.
Theo các chuyên gia, việc lãi suất tiền gửi giảm là điều kiện quan trọng để giảm lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống trong thời gian tới. Qua đó, các ngân hàng, nhất là những nhà băng được ưu tiên hạn mức tăng trưởng tín dụng cao sẽ góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2023
Trong năm 2023, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank và BIDV đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 10-13%. Khối ngân hàng tư nhân có phần tham vọng hơn, đặt ra các mức tăng trưởng tín dụng lên tới 33%, như trường hợp của VPBank…
Đáng chú ý, VPBank khá quyết liệt khi đặt mục tiêu tín dụng năm nay với 636.000 tỉ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế 2023 được ngân hàng này đề ra là 24.000 tỉ đồng, tăng 13% so năm 2022 (nếu loại khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm trong năm 2022 sẽ là 53%).
Sau khi Tập đoàn SMBC chính thức trở thành cổ đông chiến lược của VPBank, hiện ngân hàng này có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống với gần 140.000 tỉ đồng.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, sau thương vụ phát hành riêng lẻ 15% với Tập đoàn SMBC mới đây, tỉ lệ an toàn vốn của VPBank đã được nâng lên hơn 20%, từ 14,9% ghi nhận vào cuối năm 2022. Đây là một trong những tiêu chí để ngân hàng này được nhận hạn mức tín dụng ở mức cao từ Ngân hàng Nhà nước.
Công ty chứng khoán MBS đánh giá nhờ vốn cấp 1 gia tăng đáng kể, VPBank hoàn toàn có cơ sở nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng tương đương hoặc cao hơn mức 31% của năm 2022.
Ngoài ra, với kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém, năm nay, ngân hàng này có thể sẽ được ưu tiên cấp thêm hạn mức tín dụng.
"Chúng tôi dự báo hạn mức tăng trưởng tín dụng của VPBank trong năm 2023 sẽ đạt 25-26%", MBS viết trong báo cáo mới nhất.
Tuy cả hai chỉ tiêu tăng trưởng VPBank đặt ra đều khá tham vọng trong bối cảnh nhu cầu còn yếu, nhưng cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo ngân hàng này vào triển vọng ngành ngân hàng trong năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận