Bức ảnh chụp bình minh Bhutan của nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng |
Mặc dù Bến Thành Tourist đã nói lời xin lỗi, nhưng Nguyễn Thanh Tùng cho rằng không phải cứ vi phạm rồi một lời xin lỗi là xong.
Nguyễn Thanh Tùng cho biết đây là bức ảnh anh đã triển lãm, đã đăng ký bản quyền và đã bán cho người khác.
Việc Bến Thành Tourist lấy ảnh của anh quảng bá cho tour du lịch Bhutan của công ty không những vi phạm về bản quyền mà còn làm tổn hại uy tín của anh đối với cam kết độc quyền với người đã mua bức ảnh.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, giám đốc tiếp thị - truyền thông của Bến Thành Tourist - giải thích rằng bên công ty cũng có nhiều ảnh về du lịch Bhutan, nhưng vì nhân viên quản trị trang fanpage của công ty thấy bức ảnh chụp hoàng hôn của Nguyễn Thanh Tùng “đẹp quá” nên mới lấy chen vào.
“Khi được báo tin về sự việc, tôi đã yêu cầu nhân viên phải chính thức xin lỗi anh Nguyễn Thanh Tùng và người xem trên trang fanpage của công ty. Phần anh Tùng, tôi cũng gửi cho anh một email xin lỗi, đồng thời hẹn anh khi từ châu Âu về Việt Nam sẽ có buổi gặp mặt để đôi bên cùng giải quyết” - bà Tuyết Mai cho biết.
Về phần Nguyễn Thanh Tùng, anh vẫn không khỏi bức xúc: “Bản chất sự việc "lấy cắp bản quyền thương mại" nên được nhìn nhận đúng mực và nghiêm túc hơn. Vả lại, với những tổ chức kinh doanh tầm vóc quốc tế, chúng ta càng phải xem đó là chuẩn mực, bởi điều đó thể hiện sự hội nhập của doanh nghiệp và tuân thủ luật về bản quyền.
Đây không thể xem là lỗi trẻ con để rồi nhẹ nhàng xử lý bằng cách "xin lỗi" rồi cho qua. Như vậy, đâu ai đảm bảo điều này sẽ không lặp lại?”.
Tác giả Giang Trịnh trưng ảnh gốc và hình ảnh cuộc thi Imiss Thăng Long lấy ảnh của anh chiếu trên màn hình Led - Ảnh chụp màn hình. |
Ở Hà Nội, ngày 4-10, một tay máy khác tên là Giang Trịnh đưa lên trang cá nhân bức ảnh Hà Nội vào thu của mình mà than: “Chả biết bao nhiêu lần bức này bị ăn cắp nữa. Lần này là cuộc thi Imiss Thăng Long ngày hôm kia”.
Ông Trần Linh Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi - giải thích: “Đúng là đêm 2-10 của cuộc thi, tôi làm đạo diễn có yêu cầu chọn những hình ảnh Hà Nội với cây lá vào thu, cả trên màn hình lẫn sân khấu. Có thể các bạn phụ trách màn hình led lấy ảnh của ai đó. Với ý kiến này chúng tôi sẽ tiếp thu!”.
Giang Trịnh cho hay anh sẽ tiếp tục liên lạc với ban tổ chức cuộc thi Imiss Thăng Long để khiếu nại về vấn đề này. Nhưng anh cũng nói chín năm chụp ảnh, anh không còn “xa lạ” với chuyện lấy ảnh không xin phép.
Sự việc của Giang Trịnh và cuộc thi Imiss Thăng Long nhắc nhở lại một vụ lùm xùm cách đây không lâu, khi nhiếp ảnh gia Lê Huy Hoàng Hải (Huế) lên tiếng Lễ hội áo dài ở Festival Huế hồi tháng 5-2016 sử dụng bức ảnh chụp cầu Trường Tiền (Huế) của anh mà không xin phép.
Vụ việc lúc đó tạo nên sự cãi vã trong thời gian dài, cũng như nỗi bức xúc của giới nhiếp ảnh gia trước thái độ xem thường tác quyền của bên vi phạm.
Giờ đây, chuyện vi phạm bản quyền ảnh phổ biến ở mức mà chỉ hỏi đề tài này thôi, mỗi nhiếp ảnh gia ở tỉnh có thể ngán ngẩm kể ra vài ba vụ chuyện người chuyện mình.
Nhiều khi chuyện kể ra như chuyện cười, như nhiếp ảnh gia Phan Thanh Cường (Bạc Liêu) đang ăn sáng trong khách sạn ở Bạc Liêu chợt thốt lên khi nhìn vào màn hình quảng bá du lịch của khách sạn: “Ủa... ảnh của mình mà!”.
Có hơn 20 bức mà tác giả không được để tên, không hề hay biết như vậy. Hay như nhiếp ảnh gia Khắc Hiếu (Đồng Tháp) đang chạy trên đường gần nhà thì giật mình thấy bảng hiệu tuyên truyền có in ảnh của mình.
Chỉ khi anh về nhà, lên mạng “hô hoán” thì bên cơ quan tuyên truyền mới gỡ ảnh xuống và gửi lời xin lỗi tác giả.
Cho nên, nhiếp ảnh gia Huỳnh Phúc Hậu (An Giang) - một người nhiều lần khiếu nại việc vi phạm - cho hay nói về chuyện bản quyền ảnh là anh “hết cảm xúc vì bị hoài”.
Anh kể: “Như bức ảnh Mùa hoa ô môi của tôi, không biết có bao nhiêu công ty du lịch đang xài bức ảnh này. Khi tôi phát hiện và làm việc với một công ty du lịch, họ cũng lịch sự xin lỗi tôi nhưng cũng thành thật thông báo: Bức ảnh của anh có cả trăm công ty đang dùng anh ơi!”.
Không thể nuôi thêm một trung tâm tác quyền Trước hiện trạng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh tràn lan như vậy, nhiều nhiếp ảnh gia từng đặt vấn đề rằng nên có một trung tâm bảo vệ tác quyền nhiếp ảnh như mô hình trung tâm bản quyền âm nhạc, văn học. Tuy nhiên, ông Vũ Quốc Khánh - chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam - chia sẻ: “Tôi biết đây là việc muốn làm, nhưng bất khả thi. Bởi vì kinh phí hội thì eo hẹp, không thể nuôi thêm bộ máy hành chính - luật sư cho một trung tâm tác quyền. Hơn nữa, những vụ vi phạm cũng diễn ra lẻ tẻ, ở khắp mọi nơi, chi phí đền bù là không đủ cho chi phí đi lại, kiện tụng. Cho nên, tôi chỉ chia sẻ với anh em nhiếp ảnh rằng nếu bị vi phạm thì bảo vệ mình bằng các thủ tục pháp lý, còn về phần hội sẽ hỗ trợ anh em trong việc lên tiếng bảo vệ quyền lợi hội viên mà thôi!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận