Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, 2023 là một năm thực sự khó khăn.
Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 20,5% so với năm trước đó. Nhưng trái với tình trạng ảm đạm này, các ngân hàng, từ ngân hàng thuộc nhóm Big4 đến các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn lãi lớn. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận sau thuế của toàn ngành đạt hơn 198.446 tỉ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện lợi nhuận ngân hàng được đưa ra mổ xẻ. Năm 2021, đã có ý kiến cho rằng trong thời điểm dịch COVID-19 cả nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản hàng loạt mà ngân hàng lãi khủng là phản cảm.
Thời điểm hiện nay, dù khó khăn về dịch bệnh đã qua đi nhưng hệ quả để lại vẫn còn nặng nề, kinh tế đang trên bờ vực suy thoái, tín dụng tăng trưởng thấp, vốn nằm kho nhưng lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng theo từng năm.
Từ chỗ chỉ có Vietcombank, nhóm ngân hàng bước vào câu lạc bộ lợi nhuận tỉ USD hoặc mấp mé tỉ USD những năm gần đây liên tục gia tăng.
Từ đây cũng khiến dư luận đặt ra câu hỏi về việc giảm lãi suất có thực chất, nhất là cho các khoản vay cũ với người vay mua nhà, hay đâu đó vẫn có phản ánh việc bị ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm khi vay vốn bằng cách này hay cách khác.
Vừa qua khi lãi suất huy động vừa nhích lên thì đã có người vay phản ánh bị ngân hàng tăng lãi suất ngay trước thời điểm giải ngân với lý do là bước qua tháng mới, dù hồ sơ vay trước đó đã hoàn thành...
Ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với các ngân hàng để tìm giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời yêu cầu ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, phấn đấu giảm thêm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay, nhất là cho một số ngành, lĩnh vực.
Ngành ngân hàng đã từng giải thích ngân hàng lãi lớn là do vốn điều lệ lớn, nên nếu chia theo tỉ suất lợi nhuận thì không phải rất cao.
Bên cạnh đó ngoài nguồn thu từ lãi vay, lợi nhuận của ngân hàng còn đến từ nhiều nguồn như kinh doanh ngoại tệ, bán dịch vụ...
Chưa kể, các ngân hàng cũng đối diện với nguy cơ nợ xấu, tăng trích lập dự phòng rủi ro, nhiều ngân hàng cũng không dám chia cổ tức bằng tiền mặt mà chia bằng cổ phiếu. Như vậy về bản chất lợi nhuận ngân hàng đã bổ sung vào vốn điều lệ để tăng sức kháng cự tài chính trong tương lai.
Tất nhiên, câu chuyện lợi nhuận của các ngân hàng nên nhìn ở hai phía, nhưng đề nghị của cơ quan thẩm tra cũng rất đáng lưu tâm trong bối cảnh hiện nay bởi lẽ quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người vay là quan hệ cộng sinh.
Hơn lúc nào hết, các ngân hàng cũng nên "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" với doanh nghiệp, người vay để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn như câu châm ngôn mà Thủ tướng đã nhiều lần nhắc đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận