Lại nói chuyện "giấy phép con"

THẢO NGUYÊN 27/07/2017 22:07 GMT+7

TTCT- Tư nhân muốn mở lò đào tạo thể thao, chỉ cần đáp ứng đủ các quy định về cơ sở vật chất (an toàn cho người tập) là đủ, còn trình độ chuyên môn của họ thì hãy để cho thị trường đánh giá. Một người vô danh, vô tài ắt chẳng thu hút được ai đến học chơi.

Thầy cô thuộc Phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngăn sông để dạy bơi cho học sinh.  -Ảnh: Trần Mai
Thầy cô thuộc Phòng GD-ĐT huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) ngăn sông để dạy bơi cho học sinh. -Ảnh: Trần Mai

 

Một lãnh đạo ngành thể thao kể: Ngày 21-6-2017, Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL) đăng bản dự thảo thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn bơi, lặn (có tám điều).

Sau đó, có một câu hỏi gửi về mà từ Tổng cục TDTT cho đến Bộ VH-TT&DL đều không biết trả lời thế nào!

Từ khi Luật TDTT ra đời đến nay, mỗi năm có khoảng chục dự thảo thông tư được đưa ra để lấy ý kiến đóng góp trong vòng 60 ngày.

Hiện tại, một loạt dự thảo thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu các môn bơi lặn, cầu lông, quần vợt, billiard & snooker, thể hình, taekwondo, karate... đang được đăng tải để lấy ý kiến.

Trong tám điều của dự thảo thông tư, có hai nội dung quan trọng nhất: Điều 3 quy định về các điều kiện thế nào là đúng chuẩn đối với sân bãi, trang thiết bị phục vụ cho từng môn (thật ra ở trong tất cả các luật chơi của từng môn đều đã có).

Thứ hai là Tổng cục TDTT hoặc các liên đoàn sẽ tổ chức tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện và cấp giấy chứng nhận (GCN) - vốn bị xem là “giấy phép con” trong lĩnh vực thể thao!

Trở lại với câu hỏi khiến Tổng cục TDTT lẫn Bộ VH-TT&DL “ngọng nghịu”, đó chính là vấn đề thực tế: hiện nay, nạn trẻ em chết đuối là vấn đề nhức nhối ở nước ta.

Đã có nhiều sáng kiến ra đời được dư luận hết sức khen ngợi: những người có tâm huyết tổ chức lớp dạy bơi cho trẻ em ở sông suối (dùng phao quây lại từng khu vực phù hợp). Nếu áp dụng đúng theo dự thảo thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu môn bơi, lặn thì các lớp dạy bơi này đều phải dẹp bỏ!

Trong khi Nhà nước, xã hội chưa đủ điều kiện xây dựng các bể bơi đúng chuẩn khắp cả nước, thì các lớp phổ cập bơi kiểu “dã chiến” nói trên lẽ ra phải được ủng hộ thì nó sẽ phải xóa sổ.

Vậy vấn đề này giải quyết ra sao? “Ra sao ai biết ra sao! Chúng tôi thật sự bó tay với câu hỏi này. Không ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện thì bị phê bình, nhưng quả tình chúng tôi cũng thấy được sự phiền nhiễu của các thông tư, mà xã hội vẫn thường mỉa mai là “giấy phép con”” - vị lãnh đạo trên nói thêm.

Vâng, phiền nhiễu là điều mà ai cũng biết. Ví dụ, khi thông tư có hiệu lực, sẽ là cơ hội để các bộ môn của Tổng cục TDTT, các liên đoàn thể thao mở các lớp tập huấn nhằm cấp GCN.

Học phí của các lớp tập huấn thì vô chừng, tùy theo sự hấp dẫn của từng môn. Với yoga chẳng hạn, đây là một môn đang rất ăn khách trên thị trường thể thao, nên học phí để nhằm kiếm GCN mở lớp dạy yoga sẽ cao ngất ngưởng (lên đến bạc triệu); những môn khác ít hấp dẫn sẽ chỉ vài trăm ngàn đồng!

Chưa hẳn những người có bằng cấp, có GCN dạy giỏi hơn những người không có.

Cựu danh thủ bóng bàn Lê Văn Tiết (người mà ông Mai Duy Diễn, phó chủ tịch Liên đoàn Bóng bàn VN và cả Liên đoàn Bóng bàn Đông Nam Á kể rằng tại Asiad 1990 ở Bắc Kinh, đài phát thanh nước này khi điểm lại lịch sử bóng bàn thế giới đã phải nhắc đến tên hai người Việt là Mai Văn Hòa, được gọi là bức tường đồng với lối chơi phòng ngự làm nản lòng đối thủ, và Lê Văn Tiết, tay vợt sáng chế ra lối chơi đôi công - NV) không có bằng cấp huấn luyện, nhưng kinh nghiệm và tài năng của ông thừa sức dạy chơi bóng bàn.

Ông Mai Văn Quang nào phải là VĐV hay HLV có bằng, nhưng sản phẩm của ông là cô con gái Mai Hoàng Mỹ Trang, nhà vô địch bóng bàn nữ VN hiện tại. Đòi những người này phải cắp cặp đi học để xin GCN đủ điều kiện dạy bóng bàn thì quả là nực cười.

Xin hãy để thị trường quyết định. Tư nhân muốn mở lò đào tạo thể thao, chỉ cần đáp ứng đủ các quy định về cơ sở vật chất (an toàn cho người tập) là đủ, còn trình độ chuyên môn của họ thì hãy để cho thị trường đánh giá. Một người vô danh, vô tài ắt chẳng thu hút được ai đến học chơi.

Hơn một năm trước, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “tuyên chiến” với sự tồn tại phi lý của 7.000 giấy phép con trong lĩnh vực kinh doanh đầu tư; thì nay, có lẽ cũng cần phải mở rộng ra khắp các lĩnh vực khác, như là thể thao với hàng loạt thông tư quy định điều kiện chuyên môn tổ chức tập luyện và thi đấu đã, đang và sẽ ra đời.■

Thách đấu và mạng xã hội

Thời gian vừa qua, dư luận hết sức xôn xao quanh chuyện thách đấu trong làng võ. Nói về chuyện này, vị lãnh đạo ngành thể thao băn khoăn vì trong luật không có: “Nếu chẳng may có người chết trong cuộc thách đấu đó thì chúng tôi lãnh đủ với dư luận. Nhưng rõ ràng, những cuộc giao lưu võ thuật giữa các võ sĩ, các lò võ với nhau là một điều hết sức bình thường trong làng võ từ ngàn xưa chứ không phải mới đây. Chẳng qua bây giờ mạng xã hội phát triển, dẫn đến việc 10 người 10 ý, bàn luận tưng bừng, náo loạn cả lên. Tôi khẳng định chuyện thách đấu trên tinh thần học hỏi, giao lưu là chuyện đã có từ lâu giữa các lò võ chứ không phải mới. Có điều, ngày trước không có mạng xã hội nên không có ồn ào như vừa qua!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận