26/01/2013 03:05 GMT+7

Lại nhức nhối chuyện di tích

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Thành quả suốt năm qua về mặt di tích là xây mới và làm biến dạng nó. Đó là nhận định của một nhà nghiên cứu tại tọa đàm “Hoạt động tôn tạo, xây mới trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích” do Viện Bảo tồn di tích tổ chức ngày 25-1.

b8ml55Hp.jpgPhóng to
Làm mái che là phương án thường được sử dụng để bảo vệ các di tích khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long nhưng phương án này hiện vẫn gây tranh cãi. Trong ảnh: dấu tích kiến trúc thời Lý vừa phát lộ vào tháng 12-2012 - Ảnh: Hà Hương

Những cụm từ “phá hoại”, “biến dạng”, “nhờn luật”, “mạnh ai nấy làm”... lại được nhắc đến trong câu chuyện về di tích.

Biến dạng cũng bởi quan trí

"Trừ một số người làm về trùng tu, tôi nghĩ cán bộ của Bộ VH-TT&DL cũng không biết Luật di sản, quy định được làm gì và không được làm gì"

GS.TS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia)

“Việc di tích bị xây mới, xâm hại là chuyện quan trí chứ không phải là dân trí. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng có một phần lỗi trong đó. Hàng trăm tỉ đồng đổ vào phục hồi di tích, bên cạnh những thành quả của nó cũng góp phần làm biến dạng, sai lệch di tích. Làng Kim Liên quê Bác Hồ là một trường hợp đáng buồn. Đáng lẽ phải giữ lại hình ảnh làng quê cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì giờ lại khuôn viên hóa cả làng, đâu cũng thấy trồng sen” - PGS.TS Trương Quốc Bình (ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) nói.

Có rất nhiều nguyên nhân đổ cho việc những đền, chùa bị biến dạng, bị làm mới theo kiểu một năm tuổi... là người dân thiếu hiểu biết, nhà chùa thiếu hiểu biết... Phía sau rất nhiều ngôi chùa bị xây mới, các cán bộ từ xã thôn đến huyện tỉnh đều nói vậy. Nhưng theo các nhà khoa học, biến dạng và sai lệch là chuyện của cả một hệ thống thiết chế văn hóa, khi những biện pháp chồng chéo không thể kiểm soát nổi di tích. Kiến trúc sư Trường Thành - một trong những người tham gia việc trùng tu di tích ở Hà Nội - cho rằng: Tại sao có tình trạng xây dựng tự phát ở các di tích? Vì có những hồ sơ xin phép rất lâu mà không được trả lời, người dân sốt ruột nên đành làm một cách tự phát.

GS.TS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia) cũng chia sẻ: “Không thể trách người dân không hiểu biết về di tích. Trừ một số người làm về trùng tu, tôi nghĩ cán bộ của Bộ VH-TT&DL cũng không biết Luật di sản, quy định được làm gì và không được làm gì”. Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: “Yêu cầu nhà sư vừa biết kiến trúc, vừa hiểu luật di sản với tất cả các thủ tục hành chính là điều không thể, làm sao họ biết được”.

Và không chỉ nhà quản lý cần biết mà cần phải biết đầy đủ, phản biện đầy đủ. PGS.TS Phạm Mai Hùng (ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) nói: “Hôm trước tôi có đọc công văn của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên (Bộ VH-TT&DL) gửi lên Thủ tướng Chính phủ phản đối việc xây thủy điện sông Đồng Nai. Công văn của thứ trưởng mà chỉ nhắc đến chuyện ảnh hưởng tới thiên nhiên. Trong khi đó, chúng tôi đã đi khảo sát nhiều lần đều kết luận khu vực Cát Tiên đó dày đặc các tầng văn hóa. Bộ VH-TT&DL phản biện về các vấn đề này thì cũng phải hiểu cho đầy đủ.

Không chuyên nghiệp thì đừng nói đến đạo đức nghề nghiệp

Không chỉ là câu chuyện quan trí, việc trùng tu di tích lâm vào tình cảnh đáng báo động bởi thiếu thợ, thiếu thầy, thiếu cả tiền. Thế nên mới có chuyện những người làm khảo cổ lại tính chuyện phục chế đàn Nam Giao ở Thành nhà Hồ. “Chúng ta cứ nói từ hội nghị này đến hội nghị khác nhưng lại không đưa ra được phương án nào cho việc trùng tu di tích. Cách đây khá lâu cũng đưa ra một phương án bảo tồn Hoàng thành Thăng Long nhưng đến giờ chắc đã bị lãng quên. Với những di tích khảo cổ đó, nếu cứ lợp mái che lên thì di tích có được bảo tồn hay không? Sao lại có thể để một cơ quan chuyên môn như khảo cổ học làm luôn công tác bảo tồn di tích. Nếu là người có đạo đức thì không nên nhận công việc đó. Các vị đang là tác nhân gây phá hoại di tích” - PGS.TS Phạm Mai Hùng thẳng thắn.

Ông Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư VN) nói: Đến lúc Bộ VH-TT&DL phải tham mưu đào tạo các kiến trúc sư về bảo tồn. Cả nước có tới 20 trường đào tạo kiến trúc sư nhưng kiến trúc sư bảo tồn thì không có nổi một nơi. Nếu không có chuyên nghiệp thì không thể nói đến đạo đức nghề nghiệp.

Còn GS Hoàng Đạo Kính thì cho rằng: “Thà không làm còn hơn làm mà xuyên tạc di tích. Chúng ta đã công nhận quá nhiều di tích quốc gia nhưng lại không có đủ khả năng về tiền của để cung cấp cho việc giữ gìn nó. Nếu không xếp hạng theo khoa học thì sẽ bị lên án suốt ngày. Có cái cần phải lên hạng nhưng theo tôi, đa số là phải xuống hạng. Nhưng cả nước chúng ta đang sôi sục trong cuộc vận động nâng đời di tích. Kéo theo đó là sự lộn xộn tôn tạo quá tay. Chúng ta đã có quá nhiều bài học đau đớn rồi!”.

Dù vậy, cuộc tọa đàm về những vấn đề nhức nhối nhất của di tích lại chỉ có những chuyên gia... đã về hưu, còn đại diện cơ quan quản lý cấp bộ, tới cấp sở lại cáo bận không tới dự. Cũng bởi vậy, những chuyên viên đến dự cũng không dám phản biện lại những chỉ trích của giới chuyên gia về sự tụt hậu của cung cách quản lý và chính sách đối với di tích. Một lần nữa, mọi kiến nghị lại rơi vào khoảng không. Đến cả đề nghị cơ quan quản lý đừng tránh né dư luận, phải đương đầu giải quyết tận gốc những vấn đề của di tích cũng chỉ là nói cho nhau nghe.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên