03/07/2015 09:19 GMT+7

Lại ném đá xe khách, một cháu bé nhập viện

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Quốc lộ 14 đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên thời gian gần đây đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều vụ ném đá xảy ra trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Không ít xe khách đường dài bị tơi tả bởi những trận “mưa đá”.

Xe khách Minh Quốc Kon Tum bị vỡ kính sau khi bị ném đá đêm 1-7. Ảnh nhà xe cung cấp
Xe khách Minh Quốc Kon Tum vỡ kính sau khi bị ném đá đêm 1-7 - Ảnh nhà xe cung cấp

Đại diện chính quyền các địa phương khẳng định tình trạng ném đá xe khách là do ý thức bột phát, xuất phát từ khi tuyến quốc lộ 14 được mở rộng thông thoáng và trở thành... sân chơi cho thanh thiếu niên. Và mới nhất, đã có thêm một cháu bé bị hỏng mắt do hành vi ném đá xe khách.

Quốc lộ trở thành... sân chơi

Công an huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết vụ ném đá nhà xe Minh Quốc Kon Tum xảy ra lúc 22g đêm 1-7 khi nhóm thiếu niên gồm A Héo, A Hoài và Phạm Văn Bảo ngồi chơi ven quốc lộ đoạn qua xã Tân Cảnh.

Thấy xe khách của nhà xe Minh Quốc đi từ hướng Kon Tum lên, Hoài, Héo và Bảo đã rủ nhau lấy đá ném. Vụ ném đá khiến mảnh kính rơi vào mắt làm cháu Lê Hoàng Phương Uyên (5 tuổi) đang đi trên xe bị thương phải nhập viện.

Anh Lê Văn Phương, ba cháu Uyên, cho biết tối 1-7, anh cùng mẹ và cháu Uyên lên xe khách giường nằm của nhà xe Minh Quốc Kon Tum để ra TP Đà Nẵng thăm người thân. Vừa lên xe được chừng 10 phút thì một viên đá lớn xé toang tấm kính ở hông xe và trúng con gái anh đang đi lại đùa giỡn giữa lối đi trên xe.

“Tôi thấy cháu lấy hai tay ôm mặt kêu trong đau đớn, nghĩ lúc đó chắc đá rơi vào hư mắt mất rồi nên khẩn cấp đưa đi bệnh viện. Tại bệnh viện, sau khi chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ xác định có một miểng kính rơi vào vùng mắt, phải đi lên bệnh viện tuyến trên để tiếp tục hội chẩn” - anh Phương nói. Sáng 2-7, sau nhiều giờ điều trị tại bệnh viện, cháu Phương Uyên được cho xuất viện với một vết rách trên màng mắt.

Ông Đoàn Văn Tám - trưởng Công an xã Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, Kon Tum) - cho biết sau khi tiếp nhận thông tin xe khách Minh Quốc bị ném đá, công an đã kiểm tra dọc quốc lộ và xác định trước thời điểm xe khách Minh Quốc bị ném đá có một nhóm thiếu niên ngồi chơi ven quốc lộ 14. Từ đây, ba thiếu niên gồm A Hoài, A Héo và Phạm Văn Bảo được mời lên. “Tại công an, các cháu khai chỉ ném đá cho vui chứ không bị ai xúi cả” - ông Đoàn Văn Tám nói.

Chiều qua, sau khi bị công an xã triệu tập lên lấy lời khai về việc đã tổ chức ném đá xe khách Minh Quốc, cả ba thiếu niên A Hoài, A Héo và Phạm Văn Bảo đã trốn khỏi nhà.

Trong ngôi nhà cấp 4 thuộc thôn 3 (xã Tân Cảnh), ông Phạm Văn Trịnh - ba của Phạm Văn Bảo - giọng uể oải bước ra trả lời cán bộ công an xã: “Thằng Bảo nó đi đâu đó tôi cũng chẳng biết”. Công an xã yêu cầu gọi con về gấp nhưng ông Trịnh chỉ nói: “Biết đâu mà gọi”.

Ông Trịnh cho biết Bảo được gửi về quê và ở với ông bà tại huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An). “Năm nay cháu lên lớp 9. Đầu hè cháu xin vào Đắk Tô chơi. Bình thường cháu ở nhà chơi loanh quanh với đám bạn trong làng, không quậy phá gì cả. Giữa đêm 1-7 thấy công an xã xuống gọi cửa nói rằng cháu lên xã để làm việc, chúng tôi quá bất ngờ”.

Ông Võ Văn Thắng - công an viên thôn 3 - cho biết trong ba thiếu niên Bảo, A Hoài và A Héo thì A Hoài có hoàn cảnh đặc biệt: mẹ chết từ khi Hoài còn nhỏ, nhà có tới bảy anh chị em, A Hoài vừa học hết lớp 7 chuẩn bị qua lớp 8. Hỏi về ba của A Hoài, ông Thắng lắc đầu: “Ôi giời, trong làng này thì ông đó khỏi nói, suốt ngày say bét nhè. Con cái bỏ bê”.

Cách nhà A Hoài hai ba căn, nhà của A Héo cũng buồn hiu hắt, không có thứ tài sản nào đáng giá. Y Thíu - chị ruột của A Héo - cho biết Héo đã nghỉ học. “Nó học đến lớp 8 thì nói không muốn học nữa nên bỏ rồi. Nó không chịu đi làm rẫy mà chỉ suốt ngày chơi bời thôi”.

Nhiều người dân ở thôn 3, xã Tân Cảnh cho biết từ khi quốc lộ 14 được mở rộng thông thoáng, ban đêm thanh niên, trẻ con thường ra ven đường ngồi chơi. “Đây là lần đầu tiên có vụ ném đá xe khách xảy ra ở làng” - ông Phạm Văn Trịnh nói.

Không có sự xúi giục

Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra bốn vụ ném đá, trong đó cơ quan công an bắt và xử lý được ba vụ. Tại Gia Lai từ đầu năm đến nay có hai vụ ném đá, trong đó có một vụ khiến hai người nhập viện. Tại Đắk Nông trong năm 2014 có chín vụ ném đá, 14 đối tượng bị bắt giữ.

Theo ông Dương Chuyện - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum, các vụ ném đá xảy ra trên địa bàn Kon Tum trong thời gian gần đây thường tập trung vào hai nhóm: thanh niên không có việc làm, quậy phá lêu lổng và các học sinh, thiếu niên mới lớn, học sinh ở các làng dân tộc. Chưa có vụ việc nào cho thấy có sự xúi giục hay giật dây đằng sau để tổ chức ném đá.

“Để xảy ra ném đá, ngoài các yếu tố khách quan như thiếu sân chơi, thiếu việc làm, còn có yếu tố từ việc cha mẹ thiếu quan tâm uốn nắn con cái. Đó là chưa kể sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền trong việc răn đe, nhắc nhở, giáo dục cho con cái cũng có vấn đề” - ông Chuyện phân tích.

Ông Phạm Hiếu Trình - chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai - cũng có ý kiến tương tự như ông Chuyện, đồng thời nói thêm: “Các năm trước Gia Lai rộ lên tình trạng ném đá, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ có hai vụ. Từ khi tỉnh chỉ đạo quyết liệt đến công an các địa phương, chính quyền, đoàn thể các xã có quốc lộ 14 đi qua thì tình trạng ném đá giảm hẳn.

Nói như thế để thấy được rằng việc phối hợp tuyên truyền của hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng. Chúng tôi bắt trường học, gia đình ký cam kết, nơi nào để con em mình ném đá thì xử lý nơi đó”.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm hành vi ném đá xe khách

​Sáng 2-7, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác trật tự an toàn giao thông sáu tháng đầu năm, triển khai kế hoạch công tác sáu tháng cuối năm 2015 do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - chủ trì.

Ngay trong phần phát biểu khai mạc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên báo cáo rõ tình hình ném đá xe khách trong thời gian qua báo chí liên tục phản ánh.

“Không thể xem nhẹ hành vi này được vì ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tính mạng của người dân. Xe chở khách đang chạy nhanh mà lái xe bất ngờ bị thương do ném đá thì hậu quả sẽ rất khôn lường. UBND các tỉnh Tây nguyên phải khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh hành vi ném đá xe khách” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Từ đầu cầu Đắk Lắk, ông Y Dhăm Ênuôl - phó chủ tịch UBND tỉnh - nói một số vụ ném đá xe khách xảy ra trong năm 2014 đã được UBND tỉnh chỉ đạo điều tra, khởi tố, truy tố và đưa các đối tượng ra trước pháp luật.

“Qua một số vụ việc cho thấy phần lớn các đối tượng ném đá chủ yếu là thanh thiếu niên nhận thức hạn chế nên có những hành vi thiếu suy nghĩ. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể các cấp tuyên truyền, giáo dục để thanh thiếu niên có nhận thức đúng đắn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật tương tự”.

Từ đầu cầu Đắk Nông, một lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết: “Trong tháng 6-2015, công an đã bắt ba trong số bảy đối tượng ném đá vào xe khách. Điều tra bước đầu, những thanh thiếu niên này khai sau khi uống rượu bia xong kéo nhau ra đường quậy phá, ném đá vào xe khách. Hiện chưa xác định được việc ném đá này có liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà xe hay không” - vị này thông tin.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, dự kiến trong tháng này sẽ đưa ra xét xử lưu động một vụ ném đá xe khách để tuyên truyền giáo dục. UBND tỉnh còn chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi tương tự có thể xảy ra.

Tương tự, từ đầu cầu Gia Lai, Kon Tum, lãnh đạo hai tỉnh báo cáo ngay sau khi các vụ ném đá xe khách xảy ra, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra.

Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận: “Đây là tính mạng con người chứ không phải trò đùa. Ngoài các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, truy bắt, xét xử các đối tượng vi phạm thì các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Đoàn thanh niên phải vào cuộc tuyên truyền cho thanh thiếu niên nhận thức rõ tác hại của hành vi này”.

Báo cáo tại hội nghị cho biết sáu tháng đầu năm toàn quốc xảy ra 11.179 vụ tai nạn giao thông làm chết 4.478 người, bị thương 10.149 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 221 người chết, giảm 2.114 người bị thương và giảm 1.648 vụ tai nạn giao thông.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng số người chết vì tai nạn giao thông giảm được như vậy là còn quá ít. Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương, ban ngành nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt cần nghiên cứu chấm dứt tình trạng tài xế nghiện hút, xài bằng lái giả...

HÀ BÌNH - HOÀNG DƯỠNG

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên