Phản ánh với Tuổi Trẻ, nhiều nạn nhân thừa nhận đã bị "mê hoặc" khi nhìn vào số tiền lãi tăng vọt hiển thị trên màn hình điện thoại, sau khi được các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để dẫn dụ chuyển tiền vào tài khoản đầu tư. Hậu quả là bị mất cả chì lẫn chài.
Tin "bợm" forex, mất tiền tỉ
"Bị mê hoặc rồi, bị lừa rồi", chị Yến Thảo (TP.HCM) nói với chúng tôi rồi bật khóc. Công việc kinh doanh khó khăn, thu nhập sụt giảm, người thân trong nhà bị bệnh nặng.
Trong những ngày bị áp lực bủa vây, chị Thảo bị các hội nhóm đầu tư vàng, forex lôi kéo lúc nào không hay. "Nhìn số tiền lãi hiển thị trên màn hình, mình thích quá, ngon ăn quá. Bây giờ trắng tay, đổ vào gần 2 tỉ nhưng giờ không rút ra được, mất hết rồi", chị Thảo kể.
Cũng dính vào sàn forex, anh Hải Nam đã đóng 300 triệu đồng và được ứng dụng giao dịch báo lời gấp đôi chỉ sau một tuần.
Thử rút 10 triệu, chỉ vài ngày sau anh Nam nhận được tiền. Nhưng đến khi quyết định rút toàn bộ phần vốn gốc, anh Nam lại không thực hiện được. Ngay sau đó một người lạ gọi tới, giới thiệu là nhân viên của sàn và phụ trách phần nạp - rút tiền, yêu cầu anh Nam phải giao dịch thêm cho đủ khối lượng rồi mới được rút tiền.
Thế nhưng, sau khi anh Nam đặt lệnh giao dịch theo đúng yêu cầu, tài khoản bị "cháy" trong tích tắc. "Tài khoản đang lời, mình đặt lệnh theo nó hướng dẫn nên "cháy", giờ nó quay sang đổ thừa do mình giao dịch, rõ ràng ngay từ đầu đã tính kế lừa mình", anh Nam bức xúc.
Phản ánh với đường dây nóng báo Tuổi Trẻ, anh Cường cho biết sau khi quen một người lạ trên mạng xã hội, anh được đưa vào một nhóm trên Telegram, rồi được hướng dẫn đầu tư chứng khoán quốc tế. Thấy thành viên nhóm thường khoe về các khoản lợi nhuận hấp dẫn, anh dần mềm lòng rồi chuyển tiền vào tài khoản của một công ty "chuyên quản lý tài sản".
"Họ nói mua theo các mã chứng khoán do họ khuyến nghị sẽ được lãi cao, nên mình làm theo", anh Cường nói và cho biết chỉ sau khi rút thành công khoản tiền lời 10 triệu đồng từ số vốn đầu tư ban đầu là 50 triệu, anh mới tiếp tục nạp tổng cộng 180 triệu đồng tiền gốc. Đến khi thấy màn hình hiển thị khoản lãi hơn 120 triệu đồng, anh Cường làm lệnh rút tiền nhưng bị yêu cầu nạp thêm tiền để đóng phạt.
Nhưng khi đã nộp 90 triệu đồng tiền phạt vào đúng số tài khoản ngân hàng do sàn đưa ra, anh Cường lại bị yêu cầu chuyển thêm 90 triệu nữa qua ứng dụng giao dịch của các đối tượng này. "Đến lúc này, tôi mới biết mình bị lừa nhưng không thể liên lạc được vì đã bị kích ra khỏi nhóm chat", anh Cường kể.
Chỉ là trang web, ứng dụng giả mạo
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, nhận định đối với hình thức đầu tư chứng khoán, tiền ảo hay đầu tư ngoại hối (forex)…, các đối tượng lừa đảo sẽ dựng lên website hoặc ứng dụng giả mạo, dẫn dụ người dùng tạo tài khoản để giao dịch, mua bán, trao đổi.
"Tất cả các hoạt động của người dùng đều chỉ diễn ra trên hệ thống giả mạo, không có kết nối gì với các sàn giao dịch chứng khoán, tiền ảo hay ngoại hối thật. Các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng tăng giảm giá trị của các mã chứng khoán, tiền ảo, ngoại tệ để tạo ra lãi giả cho tài khoản của người dùng. Từ đó kích thích lòng tham và lừa nạn nhân nạp thêm tiền vào hệ thống giả mạo này", ông Sơn cho biết.
Do đó theo ông Sơn, người dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tài chính để hiểu không có một dạng đầu tư nào có thể sinh lợi nhuận nhanh và cao như vậy. Từ đó có thể chủ động phòng tránh được các nguy cơ bị lừa đảo. "Đặc biệt, chỉ thực hiện giao dịch trên các sàn giao dịch chính thống, không cài ứng dụng không rõ nguồn gốc", ông Sơn khuyến cáo.
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), pháp luật Việt Nam có quy định cấm các cá nhân đầu tư ngoại hối, tiền ảo, cổ phiếu quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh sàn giao dịch forex. Vì vậy, bất kỳ ai tham gia các sàn giao dịch không chính thống, không được cơ quan nhà nước cấp phép thì rất khó được pháp luật bảo vệ.
Ngoài ra, theo Bộ luật Hình sự, các cá nhân, tổ chức tham gia, vận động người tham gia các sàn đầu tư tài chính trái phiếu có thể bị phạt lên đến 5 tỉ đồng hoặc bị phạt 5 năm tù giam. "Trường hợp xác định được nhân viên môi giới của các sàn chứng khoán, vàng, forex dùng chiêu trò gian dối, lừa đảo, khiến nhà đầu tư bị mất tiền nhằm chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt hình sự lên tới 15 năm tù", ông Hùng cho biết.
Cho mượn tài khoản chứng khoán có thể bị xử phạt
Bộ Công an vừa cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt tài sản đang được các đối tượng "thao túng thị trường chứng khoán" sử dụng để lừa đảo người dùng. Cụ thể, các nhóm này thuê hoặc nhờ người khác đứng tên mở hộ tài khoản chứng khoán, rồi sử dụng để tạo cung cầu giả, đẩy giá cổ phiếu lên cao, bán ra thu lợi bất chính.
Các đối tượng này cũng lợi dụng sơ hở trong quá trình kiểm soát vay vốn theo hình thức hợp tác đầu tư, lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật ký hợp đồng cho khách hàng vay với lãi suất hưởng cố định để thu lợi, có nguồn tiền thao túng chứng khoán để thu lợi bất chính.
Đặc biệt, nhiều người đứng sau các công ty, doanh nghiệp thao túng các hoạt động đấu thầu, đấu giá, thao túng thị trường chứng khoán... gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư...
Bộ Công an cho biết sẽ tập trung phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm tra, làm rõ các đối tượng, hành vi có dấu hiệu "thao túng thị trường chứng khoán", "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"… để kịp thời xử lý, đồng thời sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng chứng khoán xảy ra thời gian qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận