Thoạt tiên, báo này thừa nhận rằng “trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp lãnh thổ gia tăng tại châu Á - Thái Bình Dương, cuộc gặp này được mong đợi sẽ đạt đến vài tiến bộ cụ thể nào đó trong việc đối phó với tình huống khó chịu này”.
Hết câu “chẳng đặng đừng” đó, báo này dập tắt ngay sự “trông mong” bằng một phủ quyết chắc nịch: “ADMM+ không phải là nơi thích hợp để bàn chuyện tranh chấp ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Báo này cũng thừa nhận rằng một trong năm lĩnh vực hợp tác của ADMM+ là an ninh hàng hải, song sứ mệnh này chẳng đạt mấy tiến bộ, mà nguyên nhân là thiếu tin tưởng lẫn nhau cũng như thiếu cơ sở cho việc hợp tác giữa các nước ASEAN và tám nước đối tác.
Nhân Dân Nhật Báo không nói rõ nước nào “xé lẻ” không chịu hợp tác, nhưng lại đổ lỗi rằng “một số nước tranh chấp đã làm căng thẳng leo thang một cách vô trách nhiệm trong những vùng biển liên quan, đồng thời tìm cách biến các tranh chấp với Trung Quốc thành một vấn đề cần phải được xử lý trong một khuôn khổ quốc tế, nhằm tìm kiếm lợi thế đối trọng với Trung Quốc”.
Đến đây, báo này lật hẳn bài lên: “Hôm 2-8 (vừa qua), Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đã gặp chủ tịch Hội đồng hòa giải châu Á (cựu phó thủ tướng Thái Lan) Surakiart Sathirathai và đề xuất ba phương cách giải quyết vấn đề tranh chấp biển Nam Hải (tức biển Đông của Việt Nam), mà một trong số các đề xuất là làm sao tìm cách “hỗn hợp phát triển”.
Giở lại việc năm ngoái ở Phnom Penh, ASEAN đã không đi đến được thông cáo chung của các ngoại trưởng, báo Trung Quốc xem đó như là bằng chứng cho sự không thống nhất trong ASEAN và khuyên nhủ “hãy cộng tác thay vì cứ đẩy lợi ích của mình lên mức tối đa”.
Để rồi kết luận rằng “từ góc nhìn đó, các vấn đề liên quan đến chủ quyền trên biển Đông không nên nằm trong hội nghị ADMM+” và rằng “Trung Quốc vẫn tin rằng các tranh chấp cần được xét đến qua các đàm phán hai bên mà thôi. Quốc tế hóa vấn đề này sẽ chỉ làm tình hình thêm phức tạp và phương hại đến tính đoàn kết của ASEAN”.
Thông điệp của Nhân Dân Nhật Báo quá rõ: 1/ Các nước tranh chấp với Trung Quốc đã “vô trách nhiệm” khi làm cho căng thẳng leo thang chứ Trung Quốc chẳng hề làm gì “vô trách nhiệm” với hòa bình thế giới và khu vực cả. 2/ Các nước ấy chẳng qua mưu toan dựa vào số đông mà mong hiếp đáp Trung Quốc. 3/ Trung Quốc chỉ đàm phán song phương mà thôi và đàm phán về việc cùng “chia sẻ” với Trung Quốc.
Đến đây không thể không hỏi lại:
1/ Các nước kia có tự ý vạch ra cái “đường lưỡi bò” chiếm gần hết biển Đông, cái đường không hề được kẻ trong bất cứ bản đồ nào của thế giới, của nước đó hay của Trung Quốc trong suốt bao nhiêu thế kỷ trước, để rồi nay muốn đi giành biển, giành đảo với Trung Quốc?
2/ Tại sao Trung Quốc lại nhất quyết phủ nhận vai trò của quốc tế, lại lên án việc viện dẫn đến công cụ tài phán của Tòa án quốc tế? Phải chăng vì biết rõ mình đuối lý nên nay giở chiêu “độc cô cầu bại” thách thức thiên hạ?
3/ Tại sao lại chỉ đàm phán song phương, nếu như không định “cả vú lấp miệng em” mà trong chiến tranh gọi là “cán cân lực lượng bất đối xứng”?
4/ Tại sao lại “phối hợp phát triển (tức khai thác)? Bởi lẽ, nếu quả thực tất cả biển cả trong đường chín đoạn đó thật sự là “của gia bảo thừa kế” có “bằng khoán” lịch sử, mà nay muốn hào phóng “nhường cơm sẻ áo” cho thiên hạ, chắc đã trải thảm đỏ mời sang chia, chứ không vác hết hạm đội này tới phi đội kia ra quần thảo!
Tất cả những tại sao ấy có thể được giải thích bằng một khái niệm: xưa đã là “cái rốn” của thiên hạ, nay thời cơ tới, lại tiếp tục hành xử kiểu “cái rốn” của thiên hạ! Thành ra ADMM+8 hay Tòa án quốc tế chung của 193 thành viên Liên Hiệp Quốc cũng chẳng là gì cả!
Phóng to |
Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh được tân trang từ tàu sân bay cũ mua của Ukraine và được giao cho hải quân Trung Quốc ngày 25-9-2012 - Ảnh: Reuters |
Trung Quốc xác nhận đóng thêm tàu sân bay
Theo Tân Hoa xã, hôm qua người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết nước này chắc chắn sẽ có thêm tàu sân bay trong tương lai, ngoài chiếc Liêu Ninh.
Ông Dương Vũ Quân thông báo “Trung Quốc sẽ cân nhắc toàn diện việc phát triển các tàu sân bay phù hợp với nhu cầu quốc phòng và xây dựng quân đội”. Đây là một xác nhận chính thức sau những đồn đoán gần đây về việc Trung Quốc đang chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận