Tổng kho xăng dầu Nhà Bè, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Than phiền về nguồn cung, một thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội cho hay từ khoảng năm ngày nay không thể tiếp cận được nguồn dầu, hoặc chỉ nhập được rất ít, dù đầu mối bán xăng vẫn ổn định.
Lại lo thiếu cục bộ dịp cận Tết
Theo vị này, không hiểu do ảnh hưởng bão hay sao mà nhiều đầu mối đều không có dầu bán, không đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đi mua cũng rất khó, nên nhiều cửa hàng phải hạn chế bán dầu.
Theo một thương nhân phân phối khác, diễn biến giá xăng dầu gần đây cũng khiến cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu có tâm lý hạn chế nhập vào vì sợ "ôm hàng sẽ lỗ". Lo kỳ điều hành ngày 21-12 tới giá xăng có thể giảm thêm nên doanh nghiệp chỉ nhập đủ lượng bán, tránh giá xuống mà chưa "xả" hết hàng.
"Các đầu mối vừa rồi thấy giảm giá nhiều cũng không dám nhập về nhiều. Thiếu dầu là do vừa rồi giá dầu thành phẩm trên thế giới tăng cao, đến kỳ điều hành của mình khi nhập về lại giảm tiếp nên nguồn dầu bị khan, cộng thêm vừa rồi ngoài biển bị gió mùa, sóng lớn, nên các tàu bè ở nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất khó vận chuyển hàng, tàu vào cảng rồi cũng không cấp được. Vì vậy, nguồn cung sẽ khó khăn và có thể tiếp tục thiếu hụt cục bộ trong thời gian ngắn sắp tới", vị này cho hay.
Chiết khấu lại thấp
Về nguồn chuẩn bị cho hàng Tết Nguyên đán sắp tới, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn cho hay hiện tổng nguồn cung xăng dầu đã được Bộ Công Thương phân giao chỉ tiêu cho các thương nhân đầu mối nhập khẩu hoặc mua trong nước, nên "bằng mọi cách phải nhập hàng về". Do đó, dự kiến nguồn dầu có căng thẳng hơn, nguồn xăng sẽ không thiếu do sắp cận Tết, nhu cầu tiêu thụ giảm, các công trình nghỉ sớm.
Cũng theo vị này, hiện mức chiết khấu cho doanh nghiệp chỉ loanh quanh 500 - 600 đồng/lít với xăng, dầu chỉ khoảng 50 đồng/lít, doanh nghiệp vẫn khó khăn.
Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam xác nhận về cơ bản nguồn cung tạm ổn, song do ảnh hưởng của gió mùa, bão nên việc vận chuyển hàng từ các cảng ở hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất bị ảnh hưởng, có thể dẫn tới thiếu nguồn cung cục bộ ở từng thời điểm. Do đó, tình hình có thể bị căng thẳng đôi chút vào dịp giáp Tết dương lịch, nhưng sẽ dần được khắc phục vào đợt Tết âm lịch, khi các doanh nghiệp sẽ huy động nguồn từ các tổng kho, hàng tồn kho ra phục vụ nhu cầu thị trường.
Làm kho dự trữ ở phía Nam
Một thương nhân đầu mối lớn ở phía Nam đề nghị, cùng với việc xây dựng kho dự trữ xăng dầu để tăng năng lực dự trữ dầu thô cho sản xuất, cần nghiên cứu để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu tại miền Nam để đáp ứng nhu cầu phía Nam.
Về vấn đề này, mới đây Bộ Công Thương cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo cơ hội đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu và kho dự trữ quốc gia dầu thô, sản phẩm xăng dầu tại Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn ở Bà Rịa - Vũng Tàu do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đề xuất làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án có quy mô hơn 18 tỉ USD, với hai giai đoạn đầu tư dự án lọc hóa dầu công suất 12 - 13 triệu tấn/năm cho mỗi giai đoạn, dự kiến đi vào vận hành thương mại vào quý 1-2028.
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét và làm rõ các nội dung về nguồn vốn đầu tư...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận