Một nhóm sinh viên hệ cao đẳng nghề khoa điện - điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ |
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng VN vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một số điều Luật giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Thứ nhất, hiệp hội không phản đối về sự tồn tại của Luật GDNN nhưng kiến nghị cần hiểu cho đúng khái niệm “GDNN” và phải xem đó chỉ là một lĩnh vực giáo dục đào tạo, không phải là một bậc học, cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã không phản hồi về nhận định này của hiệp hội.
Vì hiểu không đúng nên những người soạn thảo luật đã kéo toàn bộ cấp độ đào tạo cao đẳng (vốn thuộc bậc giáo dục đại học) về “bậc” GDNN làm cho hệ thống giáo dục quốc dân cũng như Luật giáo dục bị xáo trộn.
Thứ hai, theo quy định của Luật GDNN thì không có sự liên thông giữa các trình độ trong “bậc” GDNN.
Bởi lẽ luật quy định “bậc” GDNN có ba trình độ (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) mà hai trình độ đầu được thiết kế theo tiêu chí tay nghề (không cần trình độ học vấn đầu vào), còn trình độ cao đẳng lại được thiết kế theo tiêu chí học vấn (phải có bằng THPT hoặc tương đương).
Thứ ba, không thể gom tất cả các luồng ở cấp độ cao đẳng (hàn lâm, chuyên nghiệp và nghề) thành một luồng nghề nghiệp duy nhất như ở Luật GDNN.
Thứ tư, quy định người tốt nghiệp cao đẳng được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành là sai.
Bộ Lao động - thương binh và xã hội có biện dẫn tại Đức người tốt nghiệp các trường Hochschule và Fachhochschule vẫn được cấp bằng kỹ sư thực hành nhưng những trường đó là trường đại học, chứ không phải đó là các trường cao đẳng như Bộ Lao động - thương binh và xã hội nhầm lẫn.
Hiệp hội cũng kiến nghị nên đổi tên Luật GDNN thành Luật giáo dục nghề. Trường hợp nếu vẫn giữ nguyên tên gọi “Luật GDNN” thì cần phải bổ sung rất nhiều nội dung, chủ yếu liên quan đến khu vực giáo dục chuyên nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận