Công nhân hầu như không có cơ hội dành cho học hành để nâng cao tay nghề bởi vì với đồng lương quá thấp. Công nhân nghèo, đời sống tinh thần càng nghèo - Ảnh: Vũ Thủy |
Cuối cùng, sau những phát biểu “nảy lửa” tại nghị trường, đặc biệt là những lời đầy day dứt của đại biểu Đặng Ngọc Tùng - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, Quốc hội đã quyết định tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 lên 1.210.000 đồng, kể từ ngày 1-5-2016.
Việc tăng thêm 60.000 đồng vào mức lương cơ sở chủ yếu mang tính an ủi, bởi nó cũng chỉ giúp những công chức, viên chức mới vào làm việc (với hệ số lương trung bình 2,34) thêm được vài mớ rau, con cá trong mấy bữa đi chợ. Nhưng để có được quyết định này, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển, các cơ quan có trách nhiệm “đã phải cố gắng hết sức”.
Trong điều kiện ngân khố quốc gia căng thẳng như hiện nay, việc phải căng co chỗ này, cắt xén chỗ nọ đến 11.000 tỉ đồng để có tiền tăng lương không phải là một việc dễ. Vì vậy, lúc đầu tăng lương không có trong kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2016.
Một phần bài toán khó này được Chính phủ, Quốc hội giải như sau: “Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh...”.
Như vậy, phân tích trước đó của nhiều chuyên gia về ngân sách và đại biểu Quốc hội là hoàn toàn đúng: VN đang chi thường xuyên quá lớn, có những khoản chi lãng phí và chưa cần thiết, nếu mạnh dạn cắt giảm thì sẽ có tiền tăng lương.
Đó là những trụ sở hành chính ngàn tỉ hoành tráng, là những dự án tượng đài có thể lùi lại dăm ba năm nữa và đặc biệt là những chuyến đi nước ngoài mang tính du lịch nhiều hơn là học hỏi kinh nghiệm...
Những lần “vung tay quá trán”, những sự “ban ơn” trong chi xài ngân sách từng diễn ra ở nhiều tầng nấc, công đoạn đã tạo gánh nặng lên ngân khố quốc gia suốt thời gian dài, nay mới kiên quyết cắt giảm cũng đã là hơi muộn, trong khi người lao động thì mòn mỏi chờ tăng lương.
Nhưng, lương đã đủ sống chưa? Ông Đặng Ngọc Tùng khẳng định là với những người lao động có hệ số lương cơ sở thấp thì vẫn chưa đủ sống. Lại nhớ cách đây mười năm, khi mới vừa nhậm chức, tân bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo lúc đó có nói rằng “đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng lương của mình”.
Lời hứa ấy, thậm chí đã đi vào quy định của Bộ luật lao động được Quốc hội thông qua năm 2012, rằng “phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Và cũng chính vì những lời hứa ấy, nên món “nợ tăng lương” cứ dai dẳng mãi ở nghị trường, khiến hàng triệu công chức, viên chức đợi chờ trong mòn mỏi.
Nay, với việc tăng thêm chút đỉnh tiền lương, câu hỏi bao giờ sống được bằng lương lại được nêu ra. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng mệnh lệnh tiết kiệm chi tiêu hành chính nêu trên cũng chỉ mới giải được một phần và bài toán chỉ có thể giải được trọn vẹn khi nào việc tinh giản bộ máy, xã hội hóa triệt để các dịch vụ công được thực hiện thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận