Bị cáo Trần Văn Tú, Trần Văn Em, Nguyễn Văn Nhã (từ trái sang) tại TAND huyện Củ Chi ngày 6-6 - Ảnh: UYÊN TRINH
Theo quyết định, xét thấy bị cáo Trần Văn Em, những người bào chữa cho bị cáo và ba người làm chứng vắng mặt nên HĐXX hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ở những phiên xử trước, bị cáo Trần Văn Tú (47 tuổi, con trai bị cáo Trần Văn Em) cũng từng có giấy nhập viện.
Lần lượt có giấy nhập viện
Ngày 6-6 vừa qua, phiên tòa cũng bị hoãn để triệu tập nhân chứng. Sáng nay, khi có 5 nhân chứng đến tòa thì phiên xử tiếp tục hoãn.
Những ngày đầu vụ án, nhân chứng nhiều lần ra tòa để làm rõ một số tình tiết nhưng về sau, vụ án kéo dài quá lâu, nhân chứng không "đủ sức" tham dự nữa.
Năm 2015, TAND huyện Củ Chi xét xử vụ án cố ý gây thương tích nhưng sau đó TAND TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, tránh bỏ lọt người, lọt tội.
Năm 2016, phiên sơ thẩm lần hai, TAND huyện Củ Chi tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Đến năm 2018, phiên tòa sơ thẩm lần ba được mở nhưng đã bị hoãn 3 lần. Bị hại, bị cáo gửi đơn khiếu nại đi khắp nơi.
Ai chủ động chém ?
Theo cáo trạng, năm 2015, ông Trần Văn Tú (47 tuổi) thường hay đổ phân bò gây hôi thối ở miếng đất gần nhà ông Đặng Văn Thảo (41 tuổi) nên cả hai có cãi vã vài lần.
Ngày 23-7-2012, ông Thảo thấy phân bò hôi thối nên đi ngang qua nhà ông Trần Văn Em (75 tuổi - cha của ông Tú) dùng lời lẽ thô tục chửi rồi đứng trước nhà riêng của ông Tú chửi.
Ông Tú chạy vào nhà lấy con dao phát cỏ, ông Thảo cũng lấy cái xẻng xúc đất nhưng vì nhà đóng cửa nên cả hai đứng cãi nhau. Ông Em xông đến, dùng con dao phát cỏ chém ông Thảo.
Lúc này ông Tú mở cửa, cầm con dao phát cỏ chém ông Thảo gây thương tích ở vùng đầu, lưng, tay. Ông Thảo bỏ chạy ra đường lớn và được người dân đưa đi cấp cứu.
Nguyễn Văn Nhã (trái) và Đặng Văn Thảo nhiều lần gửi đơn đi khiếu nại khắp nơi vì vụ án kéo dài quá lâu, lọt người lọt tội - Ảnh: UYÊN TRINH
Khoảng 15 phút sau, ông Hồ Minh Thành (30 tuổi) và người làm công cho ông Thảo là ông Nguyễn Văn Nhã (28 tuổi) chạy xe máy đến cầm theo hai con dao tự chế. Khi ông Thành leo lên tường rào thì được chú ruột phát hiện, can ngăn, đẩy về nhà.
Còn ông Nhã leo tường rào, nhảy vào sân nhà ông Em, đuổi chém ông Trần Thanh Hoãn (con ông Trần Văn Em) nhưng ông Hoãn chống đỡ và chạy thoát. Ông Nhã chém vào ông Trần Văn Tú Tài (một người con khác của ông Em) gây thương tích ở tay.
Ông Em dùng con dao phát cỏ xông tới hỗ trợ, ông Nhã bị thương tích ở vùng đầu, cổ, tay, chân ngã quỵ xuống đất. Theo kết luận của Viện KSND huyện Củ Chi, ông Đặng Văn Thảo nj thương với tỉ lệ thương tật 48%, ông Nguyễn Văn Nhã với tỉ lệ thương tật 72%.
Từ đó, Viện KSND huyện Củ Chi truy tố ông Trần Văn Em tội cố ý gây thương tích và cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, truy tố ông Trần Văn Tú tội cố ý gây thương tích. Ông Nguyễn Văn Nhã bị thương với tỉ lệ thương tật 72% bị truy tố tội cố ý gây thương tích.
Mâu thuẫn lời khai
Ở phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Củ Chi tuyên phạt ông Trần Văn Em 3 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; ông Trần Văn Tú 5 năm tù, ông Nguyễn Văn Nhã 2 năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích.
Sau đó, tại tòa phúc thẩm, bị cáo Nhã cho rằng cáo trạng và lời khai của bị cáo Trần Văn Em và Trần Văn Tú là không đúng sự thật.
Bị cáo Nhã khai, khi nghe tin ông Thảo bị chém đi cấp cứu thì bị cáo Nhã cầm dao tự chế chạy đến giải cứu. Khi nhảy vào sân nhà ông Trần Văn Em, bị cáo Nhã bị té ngã nên ông Trần Thanh Hoãn, Trần Văn Tú Tài và Trần Văn Em xông đến tấn công ông Nhã.
Bị cáo Nhã dùng dao chống trả nhưng bị chém nhiều nhát nên khi chạy đến hàng rào lưới B40 thì gục xuống đất, không biết gì nữa.
Các nhân chứng tại tòa sơ thẩm cũng khai nhìn thấy ông Nhã gục xuống đất, trên người nhiều vết máu, phía sau tầm 2 mét có ông Tú Tài đứng và cầm con dao tầm 50-70cm.
Bị cáo Nhã cho rằng ông bị truy tố tội cố ý gây thương tích là không đúng, trong khi ông bị ông Trần Văn Em, Trần Thanh Hoãn, Trần Văn Tú Tài gây thương tích đến 72% thương tật.
Theo kết quả giám định và bác sĩ pháp y tại tòa phúc thẩm, nếu cho rằng vết thương của ông Tú Tài do bị cáo Nhã chém thì phải gây đứt da còn ở đây chỉ bị tác động của một lực rất mạnh.
HĐXX TAND TP.HCM nhận định, còn nhiều mâu thuẫn nên cần làm rõ lời khai của người làm chứng, các vết thương và cơ chế hình thành vết thương trên người bị hại, hung khí nào gây ra những thương tích đó.
Trường hợp những lời khai có nhiều điểm bất hợp lý thì cần thực nghiệm điều tra.
Thực nghiệm hiện trường tại cơ quan công an?
Ông Nhã cho rằng, cơ quan điều tra nhiều lần cho thực nghiệm hiện trường nhưng lại thực nghiệm hiện trường tại cơ quan CSĐT công an huyện Củ Chi nên ông không đồng ý.
HĐXX đặt vấn đề, bị cáo Trần Văn Em khai một mình (69 tuổi) trong khoảng thời gian ngắn 1 phút - chém mấy chục nhát vào một thanh niên có hung khí trong khi người này cũng chống trả quyết liệt thì có thực hiện được không. Từ đó, xem xét lại sự trung thực trong lời khai của các bị cáo, có lọt người lọt tội hay không.
HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung, tiến hành thực nghiệm điều tra, gửi hung khí tới cơ quan giám định để xác định vật chứng.
Ngoài ra, tòa sơ thẩm còn vận dụng chưa đúng quy định của pháp luật hiện hành như: áp dụng hai khoản của điều luật cho một hành vi phạm tội, bị cáo chưa 70 tuổi nhưng xem xét giảm nhẹ hình phạt, bác toàn bộ yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần của bị hại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận