20/09/2019 15:19 GMT+7

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc

TRUNG TÂN - PHAN LÊ
TRUNG TÂN - PHAN LÊ

TTO - Chỉ từ đầu tháng 9-2019 đến nay, hàng ngàn cây thông dọc quốc lộ 14 và 28 qua tỉnh Đắk Nông bị kẻ xấu đốt hoặc khoan lỗ rồi đổ hóa chất vào để đầu độc nhằm chiếm đất.

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc - Ảnh 1.

Một vụ chặt phá, đốt rừng thông dọc quốc lộ 28 qua huyện Đắk Glong, Đắk Nông - Ảnh: THỊNH HƯNG

Ngày 20-9, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông Lê Trọng Yên, giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, cho biết đã yêu cầu UBND và kiểm lâm các huyện Đắk Glong và Đắk Song báo cáo việc hàng ngàn cây thông dọc quốc lộ 14 và 28 bị đầu độc.

Mỗi vụ "giết" hàng trăm cây thông

Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 18-9 tại tiểu khu 1686 và 1697 thuộc quản lý của UBND xã Đắk Ha (Đắk Glong), 630 cây thông trên 6ha bỗng dưng rũ lá rồi chết.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện mỗi cây thông (đường kính 20-70 cm, 35 tuổi) bị khoan nhiều lỗ rồi đổ hóa chất vào.

Ở những mũi khoan sâu từ 5-6cm nồng nặc mùi hóa chất là thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ. Cơ quan chức năng cũng tìm thấy nhiều chai thuốc diệt có đã hết bỏ lại hiện trường.

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc - Ảnh 2.

Những lỗ khoan rất kín và với một lượng thuốc diệt cỏ vừa đủ khiến cây thông mất khả năng sinh trưởng - Ảnh: PHAN LÊ

Trước đó, ngày 6-9, cơ quan chức năng phát hiện 392 cây thông trên diện tích gần 1,1ha tại khoảnh 8, tiểu khu 1699 (thuộc rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14, thôn Păng Sim, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song) cũng bị khoan lỗ và đổ hóa chất vào để cây chết dần.

Phần lớn cây thông đều có đường kính từ 10-50cm. Khu vực rừng thông bị đầu độc cơ quan chức năng giao cho hộ ông Lê Xuân Thủy, trú tại xã Trường Xuân, quản lý, bảo vệ.

Rừng phòng hộ cảnh quan dọc quốc lộ 14, đoạn qua xã Trường Xuân có hơn 162ha, được giao cho 25 hộ gia đình quản lý, bảo vệ và thường xuyên bị kẻ xấu đầu độc để giành đất.

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc - Ảnh 3.

Hàng trăm cây thông là 'lá phổi xanh' dọc quốc lộ 14 hàng chục năm qua bị héo rũ, chết dần - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo thống kê của địa phương, trước vụ việc này, từ tháng 5 đến 8-2019 trên địa bàn xã Trường Xuân đã xảy ra 3 vụ đầu độc rừng thông, làm chết 690 cây.

Cũng theo cơ quan chức năng huyện Đắk Song và Đắk Glong, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn xảy ra nhiều vụ khoan lỗ đầu độc thông.

Cá biệt, tháng 10-2018, kẻ xấu còn dùng cả cưa máy, máy ủi ‘dọn trắng’ hàng ngàn cây thông ven quốc lộ 28, trên diện tích gần 1ha và chỉ cách UBND và trạm kiểm lâm xã Quảng Sơn khoảng 200m. Cho đến khi người dân trình báo, yêu cầu thì vụ việc mới được xử lý…

Ngoài ra, nhiều cây thông dọc quốc lộ 28 còn bị đẽo vỏ quanh thân, dùng lửa đốt để mất khả năng sinh trưởng, chết dần.

Đề nghị công an điều tra, xử lý

Ông Nguyễn Đức Chiến - chủ tịch UBND xã Đắk Ha, thừa nhận công tác quản lý rừng của xã có lỏng lẻo, dẫn đến việc kẻ xấu hủy hoại hơn 600 cây thông mà địa phương không biết. Các vụ phá thông lại thường lén lút thực hiện vào ban đêm nên xã khó đề phòng…

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng huyện Đắk Glong thống kê, đánh giá thiệt hại vụ phá rừng thông vừa xảy ra - Ảnh: PHAN LÊ

"Để xảy ra việc hủy hoại rừng với diện tích lớn có trách nhiệm của xã. Chúng tôi vừa là đơn vị quản lý hành chính trên địa bàn, đồng thời cũng là chủ rừng. Tuy nhiên, với lực lượng hiện tại của Ban Lâm nghiệp xã và chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc xác định, bắt quả tang được các đối tượng này", ông Chiến phân trần.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hợp - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, cho biết đã chỉ đạo Công an huyện và Hạt Kiểm lâm tăng cường, đẩy mạnh khám nghiệm hiện trường để tìm ra đối tượng phá rừng thông.

"Các đối tượng này chủ yếu khoan cây để thông chết sau đó lấn chiếm đất. Vì vậy, chúng tôi sẽ chỉ đạo cương quyết giữ bằng được đất, rừng thông dọc quốc lộ 28", ông Hợp khẳng định.

Lại hàng ngàn cây thông bị đổ hóa chất đầu độc - Ảnh 5.

Mục đích của các vụ hạ sát rừng thông cảnh quan cũng chỉ dể giành đất, tức có con người cụ thể (ở, canh tác trên đất bị chiếm) nhưng lại rất ít bị xử lý - Ảnh: THỊNH HƯNG

Ông Lê Viết Sinh - phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song, cho biết đã chỉ đạo cơ quan công an phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương vào cuộc điều tra để xử lý.

Cơ quan chức năng địa phương cũng đã tổ chức cưỡng chế nhiều hộ gia đình làm nhà, quán dọc quốc lộ 14 để ngăn chặn nạn lấy đất làm nhà, nương rẫy.

Hơn 600 cây thông tại Lâm Đồng lại bị đầu độc Hơn 600 cây thông tại Lâm Đồng lại bị đầu độc

TTO - Các đối tượng khoan lỗ nhỏ sâu khoảng 15-30cm trên thân cây thông rồi bơm thuốc diệt cỏ vào, cây sẽ chết từ từ sau khoảng 3 tuần.

TRUNG TÂN - PHAN LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên