Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) mở cửa năm 2013 - Ảnh: NYT
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6-6 xác nhận một số nhân viên ngoại giao tại Lãnh sự quán ở Quảng Châu đã được đưa về Mỹ để tiến hành các đánh giá toàn diện về sức khỏe.
Âm thanh kỳ lạ
Trong số những người được đưa về có Mark Lenzi, nhân viên bảo vệ thiết bị tại Lãnh sự quán. Lenzi và gia đình ông bắt đầu chú ý tới những âm thanh kỳ lạ vào tháng 4-2017. "Nó giống như một viên bi dội lên dội xuống sàn nhà rồi trượt dài trên một đường thẳng với âm thanh xẹt xẹt như có điện" - Lenzi kể lại.
Một vài tháng sau đó, những cơn đau đầu bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày càng tăng và thời gian dài hơn, có khi đến 2-3 ngày mới hết. Vợ và con trai 3 tuổi của Lenzi cũng chịu cảnh tương tự. Những cơn đau đầu khiến họ gần như mất ngủ triền miên.
Lenzi kể ông đã nói về sự lo lắng của bản thân và nhờ sự giúp đỡ từ cấp trên nhưng bị phớt lờ. Các bác sĩ tại Lãnh sự quán chỉ cho Lenzi thuốc giảm đau và Ambien - một loại thuốc ngủ - nhưng hầu như vô dụng và họ không tài nào xác định được nguyên nhân gây ra chứng bệnh của gia đình ông.
Tới cuối tháng rồi, Lenzi bị sốc khi phát hiện người hàng xóm đồng nghiệp của ông đã được cấp tốc sơ tán khỏi nơi ở và được đưa trở về Mỹ - nơi sau đó người này được chẩn đoán bị "tổn thương não nhẹ".
Ngày 23-5, Bộ Ngoại giao Mỹ lần đầu tiên ra thông cáo xác nhận sự việc, nhưng lại nói rất chung chung rằng người này bị ảnh hưởng bởi một sự cố về y tế và cho biết không ghi nhận được trường hợp nào khác.
Nhiều giả thuyết
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, sau trường hợp đầu tiên được thừa nhận hồi tháng 5, một nhóm các chuyên gia của cơ quan này đã được phái tới Lãnh sự quán tại Quảng Châu kiểm tra sức khỏe các nhân viên, nhà ngoại giao và gia đình của họ.
"Kết quả là sau khi rà quét xong, Bộ Ngoại giao đã đưa một số cá nhân về Mỹ để tiến hành các bước đánh giá toàn diện những triệu chứng và các thứ đã ghi nhận được. Các chuyên gia y tế sẽ tiếp tục việc đánh giá đầy đủ để xác định nguyên nhân của các triệu chứng và xem liệu chúng có trùng khớp với những phát hiện trong trường hợp đầu tiên hay không" - bà Nauert khẳng định.
Các quan chức Mỹ đang dồn nghi ngờ cho Nga hoặc Trung Quốc, theo New York Times.
Theo tờ này, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều giả thuyết xung quanh chuyện này, không hẳn là do mà còn có thể do chất độc, các thiết bị nghe nhìn bị cố tình cải biến hay thậm chí là chứng điên loạn tập thể.
Trong tuyên bố được phát đi ngày 5-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định nguyên nhân chính xác của những thương tổn đối với các nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn chưa được xác định, cũng như những người này có bị tổn thương theo cùng một cách hay không vẫn chưa rõ.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 7-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định chưa có bất kỳ liên lạc chính thức nào với Mỹ về các trường hợp mới nhất, nhấn mạnh luôn bảo vệ các nhà ngoại giao dựa trên những công ước quốc tế về ngoại giao và đã điều tra vụ đầu tiên vào tháng 5.
"Nếu có bất kỳ vấn đề nào, phía Mỹ có thể liên lạc và trao đổi trực tiếp với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp điều tra một cách tận tâm và có trách nhiệm", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm.
Giống chuyện ở Cuba
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tháng trước đã lưu ý về sự giống nhau đến kỳ lạ giữa các trường hợp ở Trung Quốc và Cuba. Năm ngoái, 24 nhân viên ngoại giao Mỹ và gia đình của họ đã có các triệu chứng giống như bị chấn thương tâm lý hay chấn thương sọ não nhẹ sau khi nghe các âm thanh lạ tại thủ đô Havana của Cuba.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận