24/09/2020 10:36 GMT+7

Lại chờ gói hỗ trợ!

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Đợt dịch COVID-19 thứ hai đã tạm lắng, doanh nghiệp lục tục trở lại làm ăn lại phải đối diện ngay với thực tế: đã hết thời hạn được gia hạn nộp thuế theo gói hỗ trợ thứ nhất được đưa ra tháng 4-2020.


Lại chờ gói hỗ trợ! - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh ế ẩm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo tháng, ngày 20-9 vừa qua đã là hạn chót phải nộp. Còn doanh nghiệp nộp thuế theo quý, đến ngày 30-9 phải hoàn thành nghĩa vụ thuế GTGT của quý 1.

Khó khăn chồng chất khi từ nay đến cuối năm doanh nghiệp phải xoay trở để nộp cả thuế GTGT của tháng/quý mới phát sinh cộng với khoản tiền thuế hết thời gian được giãn nộp.

Dịch bệnh vẫn rình rập, sức mua suy giảm, người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng". Doanh số giảm sút trong khi nợ ngân hàng, nợ thuế... vây quanh.

Như vậy, gói hỗ trợ thứ nhất sắp hết hạn, doanh nghiệp cũng nghe nói đến gói hỗ trợ thứ hai. Nhưng gói thứ hai chưa thấy đâu, là doanh nghiệp, họ phải chuẩn bị cho tình huống trống thúc nợ đòi.

Lo nhất là theo Luật quản lý thuế, cơ quan thuế có thể thực hiện ngay cưỡng chế hóa đơn từ ngày nợ thuế thứ 91 nếu như trong tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng không có tiền để thực hiện biện pháp cưỡng chế tài khoản. Khi bị cưỡng chế hóa đơn cũng đồng nghĩa doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động.

Doanh nghiệp đang vất vả với COVID-19, họ rất cần hỗ trợ, không chỉ vật chất mà còn cả tinh thần. Về tinh thần, nay bỗng dưng phải thêm nỗi lo trả nợ thuế, ít nhiều cũng mất hứng làm ăn. Nếu phải nộp thuế theo đúng hạn, tức không được kéo dài thời gian chậm nộp thuế nữa, cũng phải thông tin kịp thời để doanh nghiệp thu xếp.

Nhưng đã nói đến gói hỗ trợ đợt hai, ngay lúc này Bộ Tài chính cần trình Chính phủ cho kéo dài thời gian chậm nộp thuế đến ngày 31-12, với cả khoản thuế đã gia hạn trước đó và khoản thuế của quý 3, quý 4 và sau đó đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giãn thuế đến tháng 6-2021.

Chính sách như thế nào, cần phải rõ ràng vì thực tế lúc này cơ quan thuế đã bắt đầu gửi thông báo nhắc nộp thuế đúng hạn đến doanh nghiệp. Kế hoạch rà soát, đôn đốc các nguồn thu phát sinh không thuộc diện gia hạn để thu kịp thời vào ngân sách nhà nước cũng đã được cơ quan thuế đưa vào kế hoạch tháng 9 này và yêu cầu các bộ phận liên quan tập trung thực hiện.

Do vậy, nếu chính sách không đi trước một bước sẽ khó tránh khỏi cảnh doanh nghiệp lo lắng khi các khoản nợ ngân hàng, nợ thuế đồng loạt đến hạn và sẽ không còn tâm trí để tập trung làm ăn, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ghi nhận chung từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, nếu gói hỗ trợ đợt một chưa đi vào cuộc sống, gói hỗ trợ đợt hai vẫn chưa thấy đâu, có thể do cơ quan chức năng còn lấn cấn chuyện tiền đâu. Thực tế cho thấy, muốn cứu doanh nghiệp, phải có tiền. Có thực mới vực được đạo. Tiền từ đâu? Từ tăng bội chi ngân sách, từ Chính phủ vay nợ... Chuyện vay bao nhiêu, vay thế nào, bội chi ra sao cho vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia..., các chuyên gia đều đã hiến kế. 

Cứu doanh nghiệp, như bốc thuốc, phải đúng liều và kịp thời. Còn chần chừ triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sẽ có hậu quả, như trước mắt là chất lên vai doanh nghiệp gánh lo, đã đến hạn trả nợ thuế...

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế

TTO - Dịch COVID-19 khiến nhiều chợ truyền thống lâm vào cảnh ế ẩm kéo dài. Nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế cần đánh giá lại doanh thu để có mức giảm thuế sát với thực tế nhằm hỗ trợ tiểu thương.

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên