Cảng hàng không Nà Sản xuống cấp, phải đóng cửa từ năm 2004 - Nguồn: Bộ GTVT
Trong công văn do Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng vừa ký trình Thủ tướng, UBND tỉnh Lai Châu cho biết theo quy hoạch đến giai đoạn 2030, sân bay Lai Châu được đầu tư là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III, công suất 500.000 hành khách/năm, diện tích sử dụng đất là 167 ha. Địa điểm quy hoạch sân bay Lai Châu tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Còn theo đề án điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng, định hướng đến năm 2030, sân bay Lai Châu có công suất 500.000 hành khách/năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, chi phí đầu tư theo quy hoạch ước khoảng 4.350 tỉ đồng.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, dự án sân bay Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh vùng biên giới…
Tỉnh Lai Châu cũng đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư sân bay Lai Châu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư sân bay Lai Châu theo phương thức PPP.
Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện dự án và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, UBND tỉnh Lai Châu trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức đối tác công tư (PPP). Giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Mới đây UBND tỉnh Sơn La cũng trình Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng Cảng hàng không Nà Sản theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
UBND tỉnh Sơn La cho biết theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 sân bay Nà Sản đạt công suất 1 triệu hành khách/năm. Trong đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công suất đến năm 2030 của sân bay này là 1 triệu khách/năm, tầm nhìn đến 2050 là 2 triệu khách/năm.
Thời gian qua, UBND tỉnh Sơn La đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai phương án đều gặp khó khăn về nguồn vốn.
UBND tỉnh Sơn La đã kêu gọi nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản theo chủ trương xã hội hóa. Ngày 18-5-2021, Công ty cổ phần Him Lam thủ đô đã có văn bản gửi UBND tỉnh Sơn La đề nghị được nghiên cứu, lập đề xuất đầu tư sân bay Nà Sản theo phương thức PPP.
UBND tỉnh Sơn La cho biết để đầu tư sân bay Nà Sản giai đoạn 1 đạt công suất 1 triệu hành khách và 350 tấn hàng hóa/năm cần khoảng 2.560 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: mở rộng sân đỗ máy bay, nhà ga nâng công suất lên 2 triệu hành khách/năm là khoảng 468 tỉ đồng.
Giai đoạn 1, tỉnh Sơn La cam kết bố trí khoảng 450 tỉ đồng; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam bố trí khoảng 180 tỉ đồng; nhà đầu tư huy động 1.930 tỉ đồng. Còn vốn giai đoạn 2 do nhà đầu tư huy động toàn bộ.
UBND tỉnh Sơn La dự kiến thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản từ quý 3 năm 2023 đến quý 4 năm 2025, vận hành khai thác từ năm 2026.
Theo UBND tỉnh Sơn La, sân bay Nà Sản ở huyện Mai Sơn, cách trung tâm thành phố Sơn La khoảng 20km, tiền thân là sân bay dã chiến. Năm 1978 - 1979 sân bay này được đầu tư để khai thác trở lại.
Giai đoạn 1996 - 2004 sân bay Nà Sản khai thác với tần suất 2 - 5 chuyến/tuần bằng máy bay ATR-72. Do hệ thống hạ tầng xuống cấp nên sân bay Nà Sản đã dừng khai thác dân dụng từ năm 2004, hiện chỉ phục vụ quân sự, nhiều hạng mục được xây dựng từ năm 1996 đã hư hỏng, xuống cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận