Bà N.T.S. (70 tuổi, ngụ Q.10) không ngớt thở dài khi nhắc tới câu chuyện đau lòng của bà liên quan tới dây hụi do ông N.V.L. làm chủ.
Đầu tháng 1-2011, hàng chục người dân đã đến nhà bà T.T.A.K. ở xã Vĩnh Trung, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đòi vợ chồng bà K. trả cho họ các khoản tiền đã đóng vào các dây hụi do bà K. làm chủ. Trước đó khoảng một tháng, sau khi gom hàng chục dây hụi, vợ chồng bà K. “đi vắng”. Khi có nhiều người tới đòi tiền thì bà K. xuất hiện, ghi giấy nhận nợ, hẹn trả nhưng sau đó lại vắng mặt. |
Cách đây 4-5 năm, bà S. cùng con cháu tham gia nhiều dây hụi của ông N.V.L. với suy nghĩ vừa để tiện việc huy động vốn làm ăn khi cần, vừa được lời cao nếu chưa cần vốn ngay. Đầu năm 2011, bỗng dưng hai vợ chồng ông N.V.L. “đi vắng”, 8 tỉ đồng của bà và con cháu nằm trong các dây hụi giờ không biết tìm ai để lấy lại. Bà đã làm đơn gửi Công an Q.10 tố cáo vợ chồng ông L. có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài bà S., có ít nhất 14 người khác đã làm đơn gửi cơ quan điều tra tố cáo vợ chồng ông L. chiếm đoạt tiền hụi của họ. Người nhiều thì mất 8 tỉ đồng, người ít cũng mất hơn 5 tỉ đồng, người mất ít nhất là 50 triệu đồng, tổng cộng hơn 22 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra Công an Q.10, con số này còn tiếp tục tăng vì một số người đã liên hệ, hỏi thông tin và thông báo có chơi hụi với vợ chồng ông L. và hẹn tới nộp đơn...
Theo bà S., sau khi “đi vắng” khoảng một tháng, vợ chồng ông N.V.L. đã xuất hiện và tới cơ quan điều tra trình diện, xác nhận nợ, hứa trả nhưng tới nay vẫn chỉ là lời hứa!
Một cán bộ điều tra của Công an Q.10 cho biết dù đã tới cơ quan điều tra trình diện theo giấy triệu tập, nhưng ông N.V.L. cáo bệnh, chưa thể làm việc, ghi lời khai hay đối chất giấy tờ liên quan tới các dây hụi. Công an Q.10 đã yêu cầu ông L. tập hợp giấy tờ liên quan các dây hụi và tới làm việc vào tuần sau, sau đó mới xác định hướng xử lý vụ việc.
Rắc rối khi áp dụng pháp luật
Một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức “úp hụi” xảy ra tại Đà Nẵng mới đây đã được đưa ra xét xử. Bị cáo Trương Thị Mai Thanh (chủ hụi) đã bị TAND TP Đà Nẵng phạt tù chung thân. Theo cáo trạng, từ tháng 6-2006 đến tháng 8-2008, bà Thanh đã dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra các thông tin giả là cần tiền để đáo hạn ngân hàng, buôn gỗ, khai thác vàng tại nước ngoài... để huy động vốn thông qua các dây hụi hoặc đưa ra lãi suất cao từ 9-10%/tháng đối với tiền vay của 107 người, với trên 38,4 tỉ đồng. Thực tế bà Thanh không có hoạt động kinh doanh gì mà chỉ dùng tiền vay của người này trả cho người kia, cuối cùng tuyên bố không có khả năng chi trả.
Nhiều cán bộ điều tra cho biết việc truy tố, xét xử được như vụ trên là khá khó khăn vì trong quan hệ về hụi, việc đánh giá là quan hệ dân sự hay hình sự thì mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị có quan điểm rất khác nhau. Hầu hết các địa phương rất e dè khi tiếp nhận đơn thư tố cáo của người dân về nạn giật hụi, úp hụi, mà thường hướng dẫn qua tòa án để khởi kiện dân sự.
Theo nhiều luật sư, qua nhiều vụ bể hụi cho thấy chủ hụi được miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra không thể khởi tố vụ án nếu chủ hụi chứng minh được họ không gian dối; tiền hụi được sử dụng cho việc trả lãi và trả cho các hụi viên hốt trước. Điều 29 nghị định 144/2006 quy định về trách nhiệm của chủ hụi (họ) do không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi: Trường hợp chủ hụi đã thu phần hụi của các thành viên nhưng không giao cho thành viên được lĩnh hụi thì theo yêu cầu của thành viên có quyền lĩnh hụi, chủ hụi phải giao các phần hụi đã thu được cho người này và bồi thường thiệt hại nếu có.
Thực tế cho thấy phần lớn các chủ hụi đã có hành vi gian dối khi tổ chức làm hụi, gom tiền của hụi viên đóng hằng ngày nhưng không giao tiền hốt hụi cho họ và còn “bán hụi” cho người khác để lấy tiền sử dụng vào mục đích khác. Theo các luật sư, hành vi này của các chủ hụi có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, cũng theo các luật sư, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng người vay, mượn, thuê tài sản mà không trả lại tài sản được vì những lý do chính đáng, không có biểu hiện chây ỳ hoặc trốn tránh việc trả nợ thì chỉ chịu trách nhiệm dân sự. Trong khi đó để chứng minh chủ hụi chây ỳ, trốn tránh không trả nợ là rất khó. Vì vậy sau các vụ bể hụi, phần thiệt thòi thường rơi vào những người chơi hụi là dân lao động, tiểu thương nhẹ dạ cả tin...
Theo điều 479 Bộ luật dân sự, họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC (Đoàn luật sư TP.HCM) |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận