30/01/2021 10:07 GMT+7

Lạc quan với thế hệ lãnh đạo trẻ

ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG thực hiện
ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG thực hiện

TTO - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư Phan Diễn nói trong guồng máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ này còn rất ít người trải qua chiến tranh và tin thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống, phát huy thế mạnh mới mà họ sẵn có.

Lạc quan với thế hệ lãnh đạo trẻ - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng - Ảnh: QUANG ĐẠI

Nhắc lại lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", ông Phan Diễn cho rằng nhiệm kỳ qua Đảng và Nhà nước đã tạo nên cơ sở thuận lợi để sắp tới đất nước có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn, tiếp tục có những chuyển biến mới to lớn hơn nữa.

Phải tiếp tục đổi mới

* Những thách thức cho nhiệm kỳ mới, theo ông, là gì?

- Chúng ta đứng trước nhiều cơ hội mới nhưng cũng có nhiều thời cơ và thách thức đan xen nhau. Tôi cho rằng có 3 thách thức lớn.

Thứ nhất, tình hình của thế giới, khu vực, Biển Đông có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường. Ứng phó với những tác động đó là một thách thức lớn đối với đất nước.

Thứ hai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách mới của biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh, môi trường. Những thách thức này cũng là thách thức đối với tất cả các nước.

Việt Nam vốn là nước chịu nhiều thiên tai, là một trong những nước sẽ chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và tình trạng nước biển dâng. Chắc chắn đây cũng sẽ là thách thức lớn đối với sự phát triển an toàn, bền vững của đất nước. Ngay lúc này dịch bệnh đang lan tràn trên khắp thế giới và đe dọa cả chúng ta.

Thứ ba, theo tôi nghĩ, là thách thức của nội bộ chúng ta. Trong quá trình phát triển chúng ta đã đạt được những thành tựu, nhưng làm thế nào để thành tựu đó bền vững, làm thế nào để ngăn chặn được tận gốc những tiêu cực, hư hỏng. Điều đó không dễ dàng và vẫn sẽ đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải có những nỗ lực bền bỉ, phấn đấu lâu dài. Phải tiếp tục đổi mới cả kinh tế, chính trị.

* Theo ông, đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ XIII phải làm gì để vượt qua những thách thức đó, đưa đất nước tiến lên?

- Những phát triển, thành tựu mình đạt được vừa rồi khiến chúng ta phấn khởi và tự tin hơn, nhưng chúng ta không được thỏa mãn, không được dừng lại mà phải tiếp tục đổi mới, tiếp tục vươn lên. Phải thấy rằng nước mình hiện nay còn ở trình độ phát triển thấp so với nhiều nước trên thế giới và cả trong khu vực.

Chúng ta đã đổi mới nhiều về kinh tế nhưng vẫn phải đổi mới nhiều hơn nữa để khai thác, phát huy hết tiềm năng của các thành phần kinh tế, của các nguồn lực ở trong xã hội. Doanh nghiệp nhà nước cần có biến chuyển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp xứng đáng hơn vào nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân cần được tiếp tục tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy đầy đủ hơn nữa những tiềm năng của họ.

Đã đến lúc chúng ta phải coi trọng hơn, quan tâm nhiều hơn nữa đến đổi mới trên lĩnh vực chính trị, quan tâm việc tiếp tục hoàn thiện thể chế chính trị của đất nước.

Cần rút kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước, xem những cái gì tốt đã làm thì tiếp tục phát huy, những gì chưa tốt, chưa đúng thì mạnh dạn chấn chỉnh, đổi mới, những gì cần thiết phải tiếp tục bổ sung.

Tôi nghĩ đã đến lúc cần làm những việc này một cách cơ bản hơn, hệ thống hơn.

Lạc quan với thế hệ lãnh đạo trẻ - Ảnh 2.

Ông Phan Diễn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Luôn nhìn thẳng sự thật

* Một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ vừa qua là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Điều này chúng ta đã nói nhiều. Bài học đầu tiên là phải luôn nhìn thẳng vào sự thật. Đối với những tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật, chúng ta phải xử lý kiên quyết, kịp thời, không được né tránh, không nên để ung nhọt phát triển, tích tụ rồi mới giải quyết.

Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ XII sẽ trở thành cái đà để Đảng, Nhà nước ta tiến hành thường xuyên, lâu dài, đặc biệt quan tâm việc hoàn thiện các thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách, công tác cán bộ vì đây là những chỗ dựa cơ bản để nhân dân và toàn xã hội đấu tranh chống tham nhũng.

* Vẫn có những lo ngại của người dân về sự bền vững, thực chất của công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay. Theo ông, cần làm gì để công cuộc này vững chắc hơn?

- Hiện nay mọi người vẫn lo ngại rằng qua đại hội, thay đổi đội ngũ lãnh đạo, không biết cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực có được tiếp tục như hiện nay không. Nghĩa là người ta thấy rằng đấu tranh hiện nay có lẽ vẫn tùy thuộc vào vai trò của những cá nhân.

Tất nhiên thể chế, cơ chế chính sách nào thì vai trò của những cá nhân, những người lãnh đạo, người đứng đầu rất quan trọng, nhưng nếu mọi việc phụ thuộc vào cá nhân thì không tốt.

Cần có thể chế ràng buộc mọi người đều tuân thủ, hướng tới pháp luật và không dễ gì tùy tiện thao túng, khi đó công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mới bền vững, vững chắc.

* Đại hội lần này sẽ có những người mới, những người sinh ra sau chiến tranh được bầu vào trung ương. Ông có kỳ vọng vào thế hệ chuyển tiếp sinh sau chiến tranh này?

- Nhiệm kỳ này trong guồng máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước sẽ còn rất ít người trải qua chiến tranh.

Đây là thách thức của thế hệ lãnh đạo mới nhưng cũng là quy luật tất nhiên, chúng ta có thể tin rằng thế hệ trẻ sẽ tiếp nối được truyền thống của thế hệ đi trước, đồng thời phát huy được thế mạnh mới mà họ sẵn có là khả năng nắm bắt những cái mới, khả năng bắt nhịp được những xu hướng tiến bộ mới, khả năng bứt phá, khả năng sáng tạo của tuổi trẻ.

Tôi nhìn nhận bước chuyển tiếp này một cách lạc quan, tin tưởng thế hệ mới sẽ tiếp nối được thế hệ lãnh đạo cũ, đất nước của mình sẽ có những phát triển mạnh mẽ hơn.

Đổi mới chính trị để hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng

"Tôi quan niệm sắp tới chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ đổi mới chính trị, đây là điều không thể né tránh. Đổi mới chính trị không phải là thay đổi chế độ, mà để hoàn thiện phương thức lãnh đạo và quản lý đất nước của Đảng, của Nhà nước.

Làm sao để phát huy được dân chủ tốt nhất, vừa dân chủ vừa kỷ cương. Phát huy được sự đóng góp, tham gia xây dựng rộng rãi của người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, cả nguồn lực vật chất và tiềm năng trí tuệ, tinh thần.

Mục đích cuối cùng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội để có dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử

Ngày 29-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã làm việc cả ngày tại đoàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; ghi phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tiếp đó, Tiểu ban nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử. Sau đó, Đoàn chủ tịch nghe các trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Buổi chiều, Đoàn chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đến các đoàn.

Các đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đoàn chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử.

Cuối ngày, Đoàn thư ký xin ý kiến Đoàn chủ tịch về những vấn đề đại hội cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XIII.

Hôm nay (30-1), Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục họp về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

T.LONG

Hôm nay 30-1, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục họp về công tác nhân sự Hôm nay 30-1, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục họp về công tác nhân sự

TTO - Hôm nay 30-1, Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục họp về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

ĐỨC BÌNH - TIẾN LONG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0